Sáng nay các đại biểu thảo luận tại tổ

Sáng nay các đại biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều tồn tại của nền kinh tế

(ĐTCK) Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội cũng như các giải pháp, phương hướng để thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014.

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đại biểu Phạm Quang Nghị đánh giá, đây là nội dung thảo luận rất quan trọng.

Nhìn chung, cơ bản các đại biểu tán thành báo cáo đánh giá về kết quả kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, dù nền kinh tế có chuyển biến, các đại biểu cho rằng còn chậm, còn nhiều tồn tại cần tập trung giải quyết trong các tháng cuối năm.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết cho rằng, kết quả năm 2013 là cố gắng rất lớn của cả nước khi mà 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt trong đó có chỉ tiêu GDP 5,3% so với chỉ tiêu 5,5%.

“Kinh tế dù có xu hướng phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn, như là chính sách chậm đi vào cuộc sống (ví dụ như gói 30.000 tỷ đồng, nguồn hấp thụ rất chậm), cải cách hành chính còn tồn tại nhiều vấn đề” - đại biểu Trịnh Thế Khiết nói và đánh giá, cơ chế chính sách thuế hiện thiếu phù hợp, đánh thuế sản xuất cao, trong khi đáng lẽ phải đánh thuế ở phần hoạt động. Ví dụ như sản phẩm ô tô, đánh thuế khâu sản xuất cao, nhưng đáng lẽ quá trình xe vận hành như phí, lệ phí, xăng, phải thu ở phần này. Cách điều chỉnh quản lý thuế còn hạn chế.

Đại biểu đề nghị một số giải pháp ổn định vĩ mô bằng quản lý chặt chẽ nguồn vốn từ ngân sách. Nếu nguồn ngân sách cấp ra chủ yếu là đầu tư xây dựng và được quản chặt thì hạn chế thất thoát, hạn chế rủi ro. Tập trung các điều kiện thu nợ cũ, nợ thuế tồn đọng rất lớn. Cần cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài.

Với doanh nghiệp, đại biểu Khiết nhấn mạnh, cần tổ chức cổ phần hóa sớm, DNNN còn nhiều. Hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều, như phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật… Với ngành lúa gạo, cần hỗ trợ có chiến lược lâu dài, chứ không nên hỗ trợ mùa vụ như hiện tại. Quốc hội yêu cầu người nông dân có lãi 30%, nhưng vẫn chưa đạt được.

Đại biểu Bùi Thị An nhận xét, chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Bà đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để giữ được ổn định kinh tế, ổn định xã hội. Quản lý nhà nước nhiều ngành có sự chuyển biến nhanh. Chuyến biến rõ rệt là giao thông, đây là ngành có nhiều tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhưng ngành đã chuyển biến công khai minh bạch, nhanh nhạy hơn. Ví dụ như đình chỉ dự án chậm tiến bộ, kỷ luật cán bộ vi phạm, công khai danh tính trước đây chỉ nội bộ, xử lý tình hướng nhanh  nhạy…

Bà An cho rằng, Chính phủ nên chuẩn lại các số liệu, nợ xấu thực chất là bao nhiêu, rồi nợ công, sở hữu chéo... Đây là các yếu tố làm nền kinh tế kém bền vững. Cần phân tích rõ nguyên nhân hơn, đặc biệt trong đánh giá về quản lý của cơ quan nhà nước.

Tái cấu trúc một số ngành rất mạnh, nhưng nhiều DNNN gần như phá sản thì tái như thế nào để tiền thuế của dân không bị thiệt, vì nhiều DN trong diện tái cấu trúc nợ rất nhiều. Cần minh bạch chuyện tái cấu trúc này để tham khảo cộng đồng.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu còn thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2012.

Chiều nay, các đại biểu họp tại Hội trường, nghe Chính phủ báo cáo về Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cũng như nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo thẩm tra.

Tin bài liên quan