Theo Đại biểu Dương Minh Tuấn, hiện có hàng chục ngàn xe Grab trong quá trình hoạt động chỉ là thí điểm, chưa xếp vào loại nào để quản lý.

Theo Đại biểu Dương Minh Tuấn, hiện có hàng chục ngàn xe Grab trong quá trình hoạt động chỉ là thí điểm, chưa xếp vào loại nào để quản lý.

Đại biểu Dương Minh Tuấn: Đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ

Tôi xin đề nghị Quốc hội xem xét trong chương trình làm luật năm 2019 nếu được thì Quốc hội cho bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ với lý do nhiều nội dung trong luật này có sự tác động rất lớn đối với xã hội.

Đó là ý kiến của đại biểu Dương Minh Tuấn (đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

“Tôi thống nhất với nguyên tắc xây dựng luật theo trình tự ưu tiên mà tờ trình đặt ra. Tôi xin đề nghị Quốc hội xem xét trong chương trình làm luật năm 2019 nếu được thì Quốc hội cho bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ với lý do nhiều nội dung trong luật này có sự tác động rất lớn đối với xã hội, tuy nhiên, các hoạt động này tính pháp lý cao nhất đến thời điểm này đều ở dạng dưới luật”.

Dẫn chứng cho đề nghị trên, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian qua chúng ta có 50.000 xe Grab, Uber, bây giờ chỉ còn Grab, trong quá trình hoạt động theo quy định hiện hành chỉ là thí điểm, chưa xếp vào loại nào, chưa là taxi, chưa là xe hợp đồng.

Hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định 5 loại xe, đó là xe khách, xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi và xe buýt, chưa có loại xe này cho nên 50.000 xe này qua một lần thí điểm, lần thứ hai cũng tiếp tục thí điểm và đến giờ vẫn còn tranh luận, pháp lý cao nhất vẫn là thí điểm.

“Tôi nghĩ cần bổ sung sửa luật này để có quy định rõ ràng hơn trong luật, ấn định trong quá trình thực hiện”, đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Dương Minh Tuấn, hiện nay có nhiều rerort, nhà nghỉ dưỡng, những trung tâm lớn hoặc những đô thị lớn có phương tiện ô tô 4 bánh có gắn động cơ điện hoặc động cơ xăng lưu hành rất nhiều ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ thì không liệt được vào loại xe này.

"Chính phủ cũng cho thí điểm, hiện nay được biết là thí điểm đến hơn 30 tỉnh, thành, sau khi cho thí điểm thì mỗi tỉnh quyết định lộ trình lưu thông của xe này.

Có tỉnh cho phép lưu thông hạn chế trong khu quy định nhưng cũng có chỗ cho lưu thông ra đường, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông.

Đặc biệt, có chỗ có xe 4 chỗ, có xe chở đến 14 chỗ mà theo Thông tư 86 cho lái xe bằng B2 được chạy, theo luật bằng B2 chỉ lái xe dưới 9 chỗ nhưng cho luôn chạy xe này... tôi e rằng chưa đúng quy định".

"Đề nghị cũng cần xem lại sửa luật để bổ sung trong quá trình hoạt động cho tốt hơn vì các xe này tham gia giao thông, cũng là nguồn nguy hiểm cao độ", đại biểu Tuấn đề nghị.

Ngoài ra, trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, tai nạn giao thông xảy ra thời điểm vừa qua Chính phủ, bộ, ban, ngành địa phương quan tâm kiềm chế tai nạn giao thông, giảm cả 3 mặt. Tuy nhiên, vẫn nhiều tai nạn nguy hiểm, nghiêm trọng, trong đó nhiều lỗi là do xe đầu kéo, do tài xế ngủ ngật nên luật đang có quy định về thời gian lái xe.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, cần thiết sửa luật, mổ sẻ phân tích thêm có cần điều chỉnh thời gian làm việc của lái xe không hay tiêu chuẩn của lái xe đầu kéo, xe trên 30 chỗ để sao cho tốt, hạn chế tai nạn thảm khốc thời gian qua.

Tin bài liên quan