Sân bay Vân Đồn đang gấp rút hoàn thành để đón đầu sự xuất hiện của Đặc khu Vân Đồn. Ảnh: Đức Thanh.

Sân bay Vân Đồn đang gấp rút hoàn thành để đón đầu sự xuất hiện của Đặc khu Vân Đồn. Ảnh: Đức Thanh.

Đặc khu và sự thể nghiệm tư tưởng phát triển mới

Hôm nay (10/11), Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lần đầu tiên sẽ được trình Quốc hội, tạo nền tảng cho sự hình thành 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Mấu chốt là tư tưởng phát triển mới

Dù Dự thảo Luật đã được đưa ra lấy ý kiến công luận nhiều lần, song ở vào thời điểm này, có lẽ vẫn cần quay lại với cách tiếp cận cơ bản nhất về đặc khu. Đó là “phòng thí nghiệm” về thể chế, hay thực sự là nơi thể nghiệm những tư tưởng phát triển mới?

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nghiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã bắt đầu câu chuyện về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bằng một kỷ niệm từ 30 năm trước, khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành.

“Sau Đại hội VI đề ra đường lối Đổi mới, Luật Đầu tư nước ngoài là một trong những luật đầu tiên”, ông Phúc kể.

Câu chuyện nằm ở chỗ, khi ấy Hiến pháp 1980 đang có hiệu lực, mà Hiến pháp chỉ đề cập tới hai thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể trong một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Vậy mà Luật Đầu tư nước ngoài lại tạo đột phá bằng việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại.

Thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chính là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo nghị quyết của Trung ương Đảng.

Phải tới tận năm 1992 mới có hiến pháp mới, song Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân vẫn ra đời từ trước đó. Có rất nhiều câu hỏi đã đặt ra vào thời điểm ấy, rằng vì sao Hiến pháp 1980 đang có hiệu lực, mà chúng ta có thể thông qua một đạo luật đổi mới đến như vậy.

“Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài 1987 được ban hành, thế giới đã bình luận, đó là một trong những đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực.

Nếu hồi ấy cứ máy móc bám theo các nguyên tắc cứng nhắc, thì không thể cho ra đời những đạo luật có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của kinh tế đất nước”, ông Phúc nói.

30 năm sau, câu chuyện được lặp lại, khi mà nhiều chuyên gia kinh tế đã nhắc đến một công cuộc Đổi mới lần 2.

Chính phủ đã xác định, những động lực phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn trước thì nay đã tới hạn, cần phải tạo đột phá về thể chế, chính sách để đất nước không bị tụt hậu.

Và dù Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 đều đề cập việc hình thành các đặc khu, song suốt 20 năm qua, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và toàn cầu tạo được những điều thần kỳ từ việc hình thành các đặc khu, thì Việt Nam vẫn loay hoay.

“Tôi tán thành việc Chính phủ trình Quốc hội Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào thời điểm này, nếu không muốn nói là đã muộn.

Tuy là muộn, nhưng vẫn cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang tìm tòi, thử nghiệm các mô hình phát triển mới”, ông Phúc nói.

Cũng đã có những câu hỏi đặt ra rằng, xây đặc khu có còn hợp thời nữa không. Ông Phúc cho rằng, vẫn rất cần. Bởi dù có những đặc khu đã thất bại, nhưng thế giới vẫn không ngừng mở thêm các đặc khu, cả Nhật Bản, Trung Quốc cũng vậy.

“Trong tờ trình mà Chính phủ gửi tới Quốc hội cũng đã giải đáp những câu hỏi mà công luận đặt ra là có cần thiết ban hành Luật không. Việc thành lập đặc khu là cần thiết và vì thế cần ban hành Luật, để có cơ sở pháp lý cho các đặc khu phát triển.

Ban hành trước, thì chúng ta có cơ hội sớm, nhưng muộn không có nghĩa là không còn cơ hội. Cơ hội luôn sẵn có, chỉ là ta có điều kiện cần và đủ để tận dụng cơ hội đó hay không thôi”, ông Phúc chắc chắn.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình ra Quốc hội, thì trước hết phải quay về với một điều cơ bản nhất, đó là tiếp cận đặc khu theo hướng nào. “Đặc khu không chỉ là nơi thử nghiệm về thể chế, mà còn phải là nơi thể nghiệm những tư tưởng phát triển mới của đất nước”, ông Thành nhấn mạnh.

Tiếp cận đặc khu theo hướng đó thì mới sẵn sàng chấp nhận những thể chế, chính sách khác biệt.

Nếu không, đặc khu sẽ không còn đặc biệt nữa và không thể nào trở thành những cực tăng trưởng mới cho kinh tế đất nước, chứ chưa nói đến là nơi thể nghiệm thể chế, tư duy phát triển mới.

Và cuộc thử nghiệm về thể chế

Có một câu chuyện đã được kể. Đó là khoảng 4 năm trước, một tập đoàn lớn của Mỹ đã đến Quảng Ninh để làm việc, với mong muốn sẽ đầu tư một dự ánhàng tỷ USD vào đây.

Kế hoạch ban đầu, nhà đầu tư sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh này 2 tiếng đồng hồ, nhưng cuộc gặp đã kết thúc chóng vánh.

Lý do là vì, cả 4 câu hỏi mà nhà đầu tư này đặt ra thì lãnh đạo tỉnh không thể trả lời.

Đó là thể chế cho đặc khu đã được luật hóa chưa? Quy hoạch đặc khu có ở tầm quốc gia không? Hạ tầng đặc khu có được đảm bảo không? Và quan trọng nhất là, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư và Chính phủ, liệu họ có thể chỉ cần làm việc với một người và người đó có thể làm việc trực tiếp với Thủ tướng không?

Không rõ thực hư của câu chuyện này đến đâu. Song đúng là 4-5 năm trước đây, dù Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong đề xuất thành lập đặc khu, cũng không thể trả lời những câu hỏi đó.

Nhưng giờ thì khác, 4 câu hỏi đó đã có thể được trả lời bằng 3 đề án thành lập các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, cũng như Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, một khi được Quốc hội thông qua.

Một trong những câu hỏi cốt lõi nhất về “người đứng đầu” thì nay đã có câu trả lời rõ ràng, khi Dự thảo Luật đã đề xuất hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu.

Một là, tổ chức chính quyền theo hướng không có UBND, HĐND, thay vào đó là thiết chế Trưởng đặc khu, cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính. Hai là, có tổ chức cấp chính quyền địa phương ở đặc khu, gồm có HĐND và UBND, nhưng chỉ là một cấp.

Đặc khu và sự thể nghiệm tư tưởng phát triển mới ảnh 1

 Cảng Cái Rồng, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn

Dù đưa ra hai phương án, song Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua phương án thiết chế Trưởng đặc khu. B

ởi lẽ, tổ chức mô hình chính quyền đặc khu theo phương án này đã thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của các đặc khu.

“Thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chính là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo nghị quyết của Trung ương Đảng”, Ban Soạn thảo khẳng định.

Mô hình tổ chức chính quyền dù là một cấp, gồm có HĐND và UBND, dù… an toàn, nhưng lại chưa đủ sức tạo sự đột phá, càng không thể biến đặc khu trở thành nơi thể nghiệm tư tưởng phát triển mới của đất nước. Và bởi vậy, xem ra, dư luận cũng phần đông nghiêng về phương án tổ chức thiết chế Trưởng đặc khu.

“Là một thiết chế, chứ không phải là một cá nhân, đừng hiểu sai điều này”, ông Nguyễn Văn Phúc đã nói như vậy và cho biết, ông ủng hộ một “sự khác biệt” về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu.

“Tôi đã cùng tham gia duyệt từng chữ cuối cùng của Hiến pháp 2013, chương về chính quyền địa phương và tôi khẳng định, Hiến pháp 2013 đã có những quy định rất mở về việc thiết lập chính quyền địa phương.

Đề xuất như Dự thảo Luật không trái Hiến pháp như một số lo ngại”, ông Phúc khẳng định và chia sẻ, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng chỉ tổ chức chính quyền ở 2-3 cấp, Việt Nam thì lên tới 4 cấp, nói cải cách mãi, nhưng chưa làm được.

Ngoài tác động lan tỏa kinh tế, nếu thành công trong phát triển đặc khu, chúng ta còn có thể tạo tác động lan tỏa về thử nghiệm thể chế mới.

Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua đã đề cập đổi mới bộ máy trong hệ thống chính trị. Nghĩa là Việt Nam đang có vận hội để cải cách. Nếu được chấp nhận và triển khai thành công, thì 3 đặc khu này sẽ là 3 phòng thí nghiệm về thể chế”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đã gọi là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phải có một “cơ chế đặc biệt”.

“Tôi ủng hộ phương án Trưởng đặc khu. Một trong các yếu tố thành công của đặc khu theo kinh nghiệm của các nước là đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù.

Trong đó, phải có một phương thức quản lý khác biệt để giải quyết giấy tờ, thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, thuận tiện cho nhà đầu tư. Chúng ta cũng không lo khi giao quyền cho Trưởng đặc khu sẽ dẫn đến lạm quyền, vì vẫn còn sự giám sát của HĐND tỉnh và nhiều kênh giám sát khác”, ông Hoàng nói.

Đường băng đã sẵn sàng

Hiếm có một dự luật nào chuẩn bị trong một thời ngắn nhưng công phu và tốt như Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Bởi vậy, bộ tài liệu về Dự thảo Luật gửi tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét rất đồ sộ. Kèm theo hồ sơ Dự thảo Luật, còn có các đề án của 3 địa phương về việc thành lập các đặc khu.

Khi hồ sơ của Dự thảo Luật đang chuẩn bị được trình ra Quốc hội, thì dường như, đường băng cho sự cất cánh của các đặc khu đã bắt đầu.

Dù ít nhất phải tới sang năm, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới được thông qua, song người dân cả 3 địa phương là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều hồ hởi chờ đợi điều đó.

Dù đặc khu còn chưa thành hình, đã có những dự án hàng tỷ USD đang đổ vào Phú Quốc, Vân Đồn để đón nhận cơ hội. Như thể, tất cả đã sẵn sàng.

Nghị quyết Trung ương 6 vừa ban hành cũng là một thời cơ mới, như ông Nguyễn Văn Phúc đã nói, để chúng ta đặt cuộc thử nghiệm cải cách thể thế, cải cách bộ máy vào đường băng xuất phát.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng, chuyện Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu đã được thông tin tới những tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ông Raymond Yang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sunny World (Đài Bắc - Trung Hoa) đã phát biểu rằng, đây là một ý tưởng rất tốt, mang yếu tố quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

“Tất nhiên, khó khăn còn ở phía trước, nhưng một khi Dự thảo Luật được thông qua, thì sẽ là một bước đột phá cho Việt Nam”, ông Raymond Yang nói.

Tin bài liên quan