Các đặc khu kinh tế trong khu vực và thế giới thường đạt tăng trưởng GDP xấp xỉ 20% trở lên

Các đặc khu kinh tế trong khu vực và thế giới thường đạt tăng trưởng GDP xấp xỉ 20% trở lên

Đặc khu kinh tế: Xây cơ chế mạnh để tạo đột phá

(ĐTCK) Nhiều cơ chế được đánh giá là đột phá và vượt trội nhất so với bất cứ một khung chính sách nào từ trước tới nay dự kiến được đưa vào Luật Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và hoàn thiện. 

Nhiều kỳ vọng được gửi gắm với mong muốn xây dựng được 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành 3 đặc khu kinh tế có môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vượt bậc, tác động lan tỏa tới các địa phương trong cả nước.

Ưu đãi vượt trội

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)cho biết, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng trên quan điểm thiết kế các chính sách về kinh tế - xã hội dành cho các đặc khu có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn với các cơ chế vượt trội hơn so với bất cứ một mô hình cơ chế đặc thù hiện hành nào tại Việt Nam.

Thậm chí, xét ở một số góc độ nhất định, những cơ chế, chính sách về kinh tế xã hội, tổ chức chính quyền và công tác tư pháp được Việt Nam thiết kế xây dựng trong Dự thảo Luật thậm chí đã cao hơn, hiện đại hơn một số đặc khu của Trung Quốc, hoặc mở cửa thị trường ở mức tương tự hoặc cao hơn so với một số đặc khu kinh tế của nhiều nước có trình độ phát triển mạnh hơn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore…

Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất áp dụng mức độ mở cửa thị trường tại các đặc khu kinh tế với mức cao hơn các khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như nhà đầu tư trong nước trong các ngành nghề cần thu hút đầu tư.

Nhiều cơ chế chưa từng được áp dụng như có thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; rút ngắn các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực hiện trung tâm hành chính một cửa, đột phá mới về tổ chức bộ máy, không dựa vào trách nhiệm tập thể mà đề cao trách nhiệm cá nhân; công tác tư pháp hoàn toàn mới với vai trò của tòa án đặc khu tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền như cấp tỉnh…

Đặc biệt, Dự thảo Luật hướng tới mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở.

Theo đó, quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà chiến lược; đồng thời, quy định tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

“Các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước được đề xuất vượt trội so với quy định hiện hành và có thể cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút được nhà đầu tư chiến lược và đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển”, ông Đông nhấn mạnh.

Đáng chú ý, đối với chính sách huy động các nguồn lực, để có thể thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực từ khu vực tư nhân và FDI để đầu tư xây dựng và phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Dự thảo Luật đề xuất quy định nhà đầu tư được phép đề xuất các hình thức thực hiện dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo thông lệ quốc tế.

Về đầu tư từ ngân sách, Luật quy định cho phép được giữ lại toàn bộ số tăng thu nội địa trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong 10 năm, cho phép bội chi ngân sách địa phương để đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường quan trọng và thực hiện chính sách đặc thù quy định tại Luật.

Để thực hiện và ra được các quyết định một cách nhanh chóng và thuận lợi, cùng với các thủ tục hành chính đơn giản, bộ máy tinh gọn, Luật cũng dự kiến sẽ trao quyền phân cấp mạnh hơn cho các trưởng đơn vị này với quyền hạn được xem xét ban hành mức ưu đãi đối với từng dự án dựa trên chế độ miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo từng lĩnh vực nhằm đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả của dự án và chính sách ưu đãi.

Khuyến nghị: đột phá tư duy 

Được đánh giá là những tư tưởng rất mới, thậm chí “chưa từng có” trong đột phá chính sách nên dự thảo đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp với nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cấp tiến cho rằng, đã đến lúc cần cởi bỏ những tư duy trói buộc, mạnh dạn thí điểm áp dụng những cơ chế mới để vừa làm vừa học hỏi, tiếp thu và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn thì mới thực sự tận dụng phát huy được tối đa tiềm năng của các mô hình kinh tế đặc biệt nhằm tạo xung lực cho kinh tế quốc gia cất cánh

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn đề xuất: “Nếu chúng ta cứ rà lại với các quy tắc cũ thì không hiệu quả. Vấn đề đầu tiên là thảo luận về chính quyền nào đảm bảo cho đó là đặc khu theo nghĩa một hệ thống có thể tiếp nhận hình mẫu về mặt thể chế vượt hẳn lên. Họ phải được giao thực quyền, không bị ràng buộc bởi hệ thống trách nhiệm và cơ chế lãnh đạo tập thể vốn rất trói buộc”.

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Bước đột phá chiến lược

Theo đề xuất của chuyên gia này, trước hết phải nói được đặc khu được làm những gì? Dẫn chứng từ sự thành công của mô hình đặc khu Thẩm Quyến tại Trung Quốc, ông Thiên cho rằng, vẫn cần bộ máy chính quyền đặc khu nhưng cần thu hẹp, tinh gọn tối đa.

Ông cũng bày tỏ sự lo ngại về việc, khi cấp phép cho các dự án, phải soi chiếu  rất nhiều quy định để rồi tự trói hoặc loại bỏ chúng. Trước đây, các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, cả khu kinh tế mở Chu Lai chỉ được ưu đãi ở mức cao nhất của Việt Nam. Trong khi thẳng thắn xem xét sẽ thấy mức ưu đãi như vậy không cạnh tranh nổi với các đặc khu trong khu vực.

Ví von đặc khu tương tự như cơ chế điều hành một doanh nghiệp, TS. Đặng Xuân Thảo cho rằng, cơ quan chính quyền đặc khu có thể áp dụng mô hình đột phá theo hướng trưởng đại diện đơn vị giống như tổng giám đốc của doanh nghiệp, cơ quan giám sát hoạt động của trưởng đơn vị đặc khu như hội đồng quản trị và thực hiện giám sát tương tự như cơ chế giám sát hội đồng quản trị của doanh nghiệp với tổng giám đốc.

Với mô hình chính quyền và cơ quan giám sát như vậy, theo TS. Thảo, thậm chí có thể không cần phải bầu ra trưởng đặc khu mà thay vào đó có thể thuê nhà quản lý nước ngoài có kinh nghiệm làm, vừa khách quan vừa hiệu quả.

Tính kỹ để mở đường cho thành công

Tại cuộc họp của Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được chuẩn bị công phu, trách nhiệm với hệ thống tổ chức rõ ràng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật và trình các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để có thể trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Luật tốt nhất, bảo đảm bền vững, lâu dài trong phát triển và nêu rõ tinh thần bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút; phải tính trước mắt và lâu dài Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những vấn đề rất cụ thể ở từng đặc khu.

Thủ tướng cũng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…

Các đặc khu luôn được kỳ vọng sẽ trở thành cú huých cho nền kinh tế, bởi các thống kê cho thấy, với các chính sách khuyến khích vượt trội và liên tục được “làm mới”, các đặc khu kinh tế trong khu vực và thế giới thường đạt tăng trưởng GDP xấp xỉ 20% trở lên.

Đơn cử, Thẩm Quyến, từ một khu làng quê nghèo năm 1980, áp dụng cơ chế đặc khu năm 2000 đến cuối 2016 đã có dân số tới 11 triệu người, GDP đạt 284 tỷ USD. Singapore với diện tích bằng Vân Đồn và Phú Quốc cộng lại, đã phát triển 9 khu thương mại tự do, với dân số đến nay là 5,6 triệu người, GDP đạt 297 tỷ USD. Các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… cũng đã thành công khi triển khai xây dựng các đặc khu kinh tế.

Tin bài liên quan