Đi vào những điểm nóng, những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là cách để Báo Đầu tư khẳng định phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư chúc mừng các doanh nghiệp đoạt giải thương vụ M&A tiêu biểu 2018 – 2019 tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Toàn

Đi vào những điểm nóng, những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là cách để Báo Đầu tư khẳng định phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư chúc mừng các doanh nghiệp đoạt giải thương vụ M&A tiêu biểu 2018 – 2019 tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Toàn

Cuộc đua giữ niềm tin của độc giả

Trong hành trình nuôi dưỡng niềm tin từ độc giả, không còn cách nào khác là cơ quan báo chí phải lấy độc giả làm trung tâm, nắm bắt được mong muốn có thông tin chính thống, trung thực, diễn giải và có sự thấu hiểu sâu sắc…

1. Phan Thế Vũ, 25 tuổi, nhân viên phòng tín dụng của Techcombank chi nhánh Ba Đình, Hà Nội không nhớ nổi lần cuối cầm tờ báo giấy là khi nào.

“Tôi chủ yếu sử dụng Internet. Thỉnh thoảng có xem tivi, hoặc vào các diễn đàn tài chính, cổ phiếu, công nghệ để đọc thông tin về các sản phẩm tôi quan tâm. Tôi nghĩ là, báo giấy đăng tải các nội dung quá già đối với giới trẻ, những người chủ yếu thu thập tin tức từ trang web như Google News, Facebook, Youtobe… như tôi”, Vũ nói.

Trong khi đó, em trai của Vũ là Hiếu thỉnh thoảng có đọc báo giấy, nhưng đó là tờ báo miễn phí ở trường nói về các mảng kiến thức du học, hay ngành công nghệ… Thích lướt thông tin qua smartphone, song Hiếu lại thích báo in hơn.

“Đọc báo giấy dễ hơn nhìn màn hình và nội dung của báo thường làm tôi ngạc nhiên nhiều hơn trang web tin tức. Những trang web này thường gây cảm giác bội thực, khó định hình thông tin”, Hiếu nói.

Quan điểm của Hiếu thật hiếm trong bối cảnh giới trẻ Việt Nam đang nhanh chóng nói lời “giã từ báo chí”. Phần vì mất niềm tin, phần vì cơn bão mạng xã hội đang càn quét mọi nhu cầu. Đó là điều dễ hiểu với đất nước có tới hơn 60 triệu người dùng Facebook, chiếm 63,5% trong tổng dân số gần 97 triệu người, đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ dân số dùng mạng xã hội.

“Giới trẻ cũng quan tâm đến tin tức, nhưng họ muốn đọc ngay khi có hứng, trong khi báo in thì không thể đáp ứng nhu cầu này”, trưởng ban xã hội một kênh thông tin dành cho giới trẻ Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, chủ vài nhà máy sản xuất và 2 nhà hàng bia thủ công C-Brewmaster ở Hà Nội là thế hệ cũ (trên 50 tuổi) cũng ham đọc báo mạng. 

“Tôi đọc khoảng 5-6 trang báo mạng vào lúc sáng sớm hoặc đêm về. Nhưng rất ít bài hay đủ tạo cảm xúc để khơi gợi cảm hứng kinh doanh. Thường là không đủ hấp dẫn vì thiếu người thật, việc thật cũng như thiếu tư duy tích cực, luôn vươn lên, không bỏ cuộc của các nhân vật trong các tuyến bài. Đặc biệt thiếu những bài phân tích sâu sắc dựa trên sự logic, biện chứng vấn đề mà chủ yếu thuật lại câu chuyện”, ông Cường cho biết.

Với ông Cường, bản chất mạng xã hội cũng là nơi cấp thông tin. Nó sẽ lấy bớt thị phần báo tin tức. Nó có điểm mạnh riêng là nhanh và tương tác, nhưng lại có điểm yếu khiến độc giả không biết tin vào đâu. “Thông tin ngày càng bị chia sẻ từ nhiều nguồn”, ông Cường nói.

Gần đây, Việt Nam nổi lên thế hệ doanh nhân mới, hay còn gọi cụm từ thời thượng là start-up. Họ được giới truyền thông kỳ vọng sẽ là độc giả thường xuyên và có thể tạo ra doanh thu trong tương lai gần cho các tòa báo.

Trần Việt Hùng, Sáng lập Gotit - nền tảng chia sẻ kiến thức toàn cầu tại Silicon Valley của Mỹ là cái tên không còn xa lạ với start-up Việt gần đây về nước nhiều hơn để phát triển văn phòng. Gu đọc và lấy thông tin của anh dĩ nhiên chỉ tập trung vào mảng công nghệ, phần mềm… chủ yếu từ Apple News, đăng ký vào một số chủ đề rồi tham khảo thông tin từ phần mềm viết trên Blog. Do đặc thù ngành nghề, anh ít đọc báo chí Việt Nam, nhưng một phần do mất niềm tin. “Chủ yếu tôi đọc các bài viết, chủ đề giải trí là chính”, Trần Việt Hùng cho biết.

Hiện không nhà phân tích truyền thông nào nhận định rằng, đã đến lúc cáo chung của báo in  ở Việt Nam hay chưa, nhưng đã có nhiều lo ngại về việc phải thay đổi nội dung, nỗ lực gây dựng niềm tin, cảm hứng cho độc giả.

Thậm chí, có những toà soạn báo đang tỏ ra không nhún nhường trước việc bị “lá cải hóa và tầm thường hóa” thông qua các trang bìa. Những vấn đề quan trọng với nền kinh tế, từ thương chiến Mỹ - Trung, hội nhập quốc tế của đất nước, những trào lưu kinh doanh mới đến những vấn đề quan trọng như thay đổi môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, hay tham nhũng, giáo dục... luôn được chọn lên trang nhất…

2. Sau một thời gian dài quan sát và gắn với công việc tư vấn, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh thấy hầu hết lãnh đạo các toà báo rất ý thức việc phải lấy và nuôi dưỡng niềm tin của bạn đọc bằng chất lượng nội dung, sự minh bạch và trung lập.

Họ đều nói và phản ứng gay gắt với loại báo chí câu view và “đánh đấm”. Một số báo trước chạy theo lá cải, câu view, thì đang tuyên ngôn chống lại cách làm báo đó.

Tất nhiên, về thực hành thì vẫn còn nhiều chuyện để bàn. Bởi, vẫn có toà soạn (dù không nhiều) chủ trương chạy theo view, theo doanh thu còm cõi từ “đánh đấm”. Thực trạng này phần nào khắc sâu thêm cảm giác thiếu tin tưởng vào báo chí.

Nhiều người còn ví von, việc truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp hay ngành hàng tiêu dùng đang rất “nóng” trong quan hệ thương mại trên toàn cầu cũng tương tự như việc kiểm chứng thông tin của giới truyền thông hiện nay. Thậm chí, việc này trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của giới truyền thông, khi vấn đề đặt ra với người làm báo là cần kiểm chứng, thẩm định, phân tích, chọn lọc và giải thích thông tin, đồng thời giúp công chúng tìm được những thông tin hữu ích hơn.

Những động thái trên được đưa ra khi giới truyền thông thế giới cũng như Việt Nam đang vừa phải cạnh tranh với mạng xã hội để thu hút độc giả về phía mình, vừa phải đấu tranh với vấn nạn tin giả. Trong cuộc chiến này, báo chí  đóng vai trò là người bảo vệ sự thật, người định hướng dư luận; vừa bảo vệ độc giả, vừa bảo vệ chính mình.

Tin giả (fake news) như một cô gái đầy “quyến rũ” với độc giả và cả với những người đưa tin. Ở Việt Nam, thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ tin giả, từ những tin có vẻ “vô thưởng vô phạt” như tin một nghệ sĩ Việt được tôn vinh tại đại lộ danh vọng ở Mỹ, cho tới vụ cô gái ngáo đá nằm bệnh viện được cho là con gái của một vị quan chức.

Không dừng lại ở đó, nhiều thông tin sai sự thật đã gây tác hại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp như vụ Con Cưng, vụ nước mắm bị “vu oan” nhiễm asen… Nhưng phần lớn người đọc lại thích và cũng dễ bị dẫn dắt bởi tin giả, rồi không ít cơ quan báo chí, vì nhiều lý do khác nhau, đã không tránh được việc “tiếp tay” cho các tin giả như vậy.

Tin giả (fake news) như một cô gái đầy “quyến rũ” với độc giả và cả với những người đưa tin.    

Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói, báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên phải là người được tin cậy nhất trong xã hội. Muốn lấy lại thương hiệu cho những người làm báo thì phải có những hành động thiết thực để tăng niềm tin của xã hội vào chính đội ngũ những người làm báo.

Trong đó, câu chuyện sự thật là điểm cốt lõi. Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Sức mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn tại.

Song có những trường hợp không phải sự thật nào cũng công khai, nhất là những sự thật liên quan đến bí mật an ninh quốc gia, bí mật quân sự - quốc phòng và những vấn đề có ảnh hưởng mật thiết, tác động trực tiếp đến vận mệnh của cộng đồng nói chung, của mỗi số phận con người nói riêng.

Theo nhận định của Ban Kiểm tra Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, một trong 4 cái sai nổi cộm nhất của báo chí trong thời gian qua là đưa tin không tôn trọng sự thật, bóp méo sự thật bằng cố ý cách bỏ qua hoặc nhấn mạnh những tình tiết phục vụ ý đồ của nhà báo.

Tình trạng đó không chỉ Việt Nam mới có. Trên thế giới, các tỷ phú, triệu phú đã phân chia, chi phối thị trường báo chí, khiến ngày càng nhiều người không tin vào các phương tiện truyền thông. Bởi họ có quyền nghi ngờ khi các tập đoàn lớn thống trị phương tiện truyền thông, nhà báo chỉ là con tin, biên tập viên và các loại hình truyền thông chỉ là công cụ để thực hiện ý đồ riêng cho các tổ chức đó.

3. Nói cho cùng, phản ánh sự thật cũng chính là phản ánh dòng chảy chính của xã hội. Làm được như vậy, báo chí cũng đồng thời tìm lại được những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng và tính tiên phong, chính xác, chính thống, nhanh nhạy; để giữ vững niềm tin của độc giả với chính mình và củng cố niềm tin, gây dựng quốc gia thịnh vượng.

Việc không còn độc quyền về sản xuất nội dung đang đặt các tờ báo trước những ngã rẽ mới. Nhiều quan điểm làm báo hiện đại cho rằng, đã đến lúc coi báo chí như một ngành kinh doanh, lãnh đạo báo phải tư duy như ông chủ doanh nghiệp.

Cụ thể, lãnh đạo cần chỉ ra lợi thế và vai trò quan trọng của một tờ báo là sản xuất thông tin gốc, đầu tư làm nội dung chất lượng ngay từ đầu, cũng như tìm kênh phân phối hiệu quả thay vì tìm cách bán được quảng cáo và thắng được mạng xã hội.

Sau 28 năm ra đời và phát triển với quan điểm xuyên suốt “Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Báo Đầu tư với các ấn phẩm, chuyên đề, đặc san, hay những sự kiện thường niên đến toạ đàm phát sinh vấn đề nóng phát sinh về môi trường kinh doanh đã chạm tới cảm xúc của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng. Để từ đó thúc đẩy những hành động, quyết sách đột phá, chuyển mình hợp thời hơn. 

Để có những tác phẩm chạm đến trái tim độc giả không hề dễ dàng. Hành trình nuôi dưỡng niềm tin từ độc giả đã được các thế hệ lãnh đạo của toà soạn gìn giữ và phát huy. Trong khi tiếp tục thực hiện những tin, bài được kiểm chứng, các ấn phẩm đều phải chú trọng đến các bài phân tích chuyên sâu, thể loại báo chí giải pháp và xây dựng mà chỉ những nhà báo, cây viết chuyên nghiệp mới có thể làm được.

Trong hành trình đó, toà soạn luôn lấy độc giả làm trung tâm, nắm bắt được thông tin chính thống, trung thực, có diễn giải và đầy sự thấu hiểu. Khi xác định được điều đó, đội ngũ những người làm báo sẽ nuôi dưỡng thêm công chúng mục tiêu mới như giới trẻ khởi nghiệp, tôn vinh các nhân vật truyền cảm hứng, cổ vũ tinh thần kinh doanh, các ngành kinh tế mới.

Tin bài liên quan