Cuộc chiến trường kỳ

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng việc Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sẽ là diễn đàn thúc đẩy việc tháo bỏ các nút thắt tăng trưởng, góp phần khơi thông dòng chảy vốn đầu tư, dù ý thức rõ rằng, việc này rất khó khăn, đòi hỏi quyết tâm lớn.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chỉ đơn cử cuộc chiến với “rừng giấy phép con” đã quá cam go, bởi cho đến nay còn nhiều văn bản dưới luật quy định về điều kiện kinh doanh. Không ít mặt hàng kinh doanh phải chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành.

Từ đầu tháng 7/2016, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp được ban hành đã chính thức xóa sổ hàng loạt giấy phép con, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư, quy định của các bộ, ngành. Nhiều giấy phép đã được bãi bỏ nhưng cũng không ít quy định vẫn tồn tại, được đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của các ngành.

Một doanh nghiệp đã bức xúc kể câu chuyện về giấy phép vận tải đa phương thức quốc tế. Ðiều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp phải tuân thủ gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương; có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương; có giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

Nhưng để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, các doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đến Bộ Giao thông Vận tải với các loại giấy tờ như đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng thực hoặc bản sao giấy phép đầu tư trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; xác nhận giá trị tài sản doanh nghiệp của cơ quan tài chính hoặc bảo lãnh tương đương.

Nhìn vào những quy định trên, doanh nghiệp đã chào thua bởi không rõ phải xác định giá trị tài sản doanh nghiệp tại cơ quan nào. Hơn nữa khi đăng ký kinh doanh thì chưa có giấy phép vận tải đa phương thức quốc tế. Mà muốn có giấy phép này phải có đăng ký kinh doanh.

Tương tự, dịch vụ vận tải gom khách tại điểm xuất phát từng bị cấm vì lý do gây ách tắc giao thông. Nhưng hành khách không thể tự dưng có mặt tại bến xe và hàng trăm khách cùng một chuyến đi có thể cần tới hàng trăm xe đưa họ đến bến. Vậy với chừng đó phương tiện giao thông, có bớt ách tắc hay không? Rõ ràng, lập luận trên là chưa thuyết phục.

Không ít doanh nghiệp nhận xét, cuộc chiến cắt bỏ điều kiện kinh doanh mới chỉ bắt đầu. Và họ kỳ vọng vào các động thái mới liên tục được triển khai. Gần nhất, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì thực hiện việc rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD gồm Mỹ, Canada và các nước Tây Âu, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh, báo cáo Chính phủ trước tháng 12/2017.

Cuộc chiến loại bỏ giấy phép con còn trường kỳ, nhưng đó là một yếu tố nuôi dưỡng kỳ vọng khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Tin bài liên quan