Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Cùng với FDI, thế và lực của nền kinh tế đã sang trang

“Chính phủ Việt Nam chủ trương không còn thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Thay vào đó sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc hơn. Đó cần là những doanh nghiệp có công nghệ tốt, có nền quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối cùng doanh nghiệp trong nước và phù hợp quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam”.

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn M&A Việt Nam ngày 8/8/2018 tại TPHCM.

Bước nhảy vọt của nền kinh tế

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào cuối năm 1987, thời đại mới cùng sự gia nhập của dòng vốn FDI đã mang tới cho kinh tế Việt Nam bước tiến dài.

Sau 30 năm kể từ lúc đón nhận dự án FDI đầu tiên, Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia có GDP đầu người chỉ 100 USD/năm (1989) trở thành nơi có GDP bình quân 2.400 USD/năm, và chính thức là đối tác chiến lược quan trọng của nhiều nền kinh tế lớn, có tiếng nói và vị thế nhất định trên trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, tỷ lệ giải ngân của FDI tại Việt Nam hiện đạt mức 7-8% GDP - con số gần như đã cao nhất thế giới!

Còn đánh giá của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng - lại cho thấy nhờ có thêm dòng FDI mà Việt Nam đã đạt tới mức tăng trưởng bình quân khoảng 6,6%/năm trong suốt 30 năm qua.

Trong đó, đóng góp của khu vực FDI chiếm khoảng 20% GDP. Điều quan trọng hơn cả là dòng vốn này đã kéo theo sự nhập cuộc tích cực của các thành phần kinh tế khác trong nước.

Hiện FDI đang đóng góp 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và hơn 50% sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo. Xuất khẩu lớn đã giúp cán cân vãng lai Việt Nam cải thiện đáng kể. Các nhà điều hành chính sách vì vậy đã thuận lợi hơn rất nhiều khi điều tiết các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất…

Chuyên gia Kinh tế Phạm chi Lan cũng tin rằng FDI đã giúp Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất hàng đầu của thế giới về dệt may, da giày, đồ gỗ; kết nối kinh tế Việt Nam với thị trường các nước, khiến thế và lực Việt Nam “nặng ký” hơn khi hội nhập với các cộng đồng kinh tế quốc tế như ASEAN, WTO, hay các FTAs.

Bên cạnh những ảnh hưởng có thể định lượng, FDI còn tạo ra lan tỏa vô hình tới toàn bộ gương mặt văn minh và đô thị Việt Nam, gián tiếp nâng tầm mức sống và trình độ dân trí.

Thực vậy, tại TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, nếu như năm 1992, khối doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp hơn 15 tỷ đồng vào thu ngân sách của Thành phố với tỷ lệ khiêm tốn 0,6% thì đến năm 2016, con số này đã lên 16,3%.

Đối mặt với nghịch lý

Dù vậy, bức tranh của kinh tế Việt Nam khi “pha” thêm “màu sắc” của FDI không phải lúc nào cũng phủ đầy gam màu tươi sáng.

Theo GS Andreas Hauskrecht từ Đại học Indiana (Mỹ), thành viên nhóm Sáng kiến Việt Nam, dù không thể phủ nhận vai trò của FDI trong những thành tựu kinh tế của Việt Nam đến nay nhưng “ngay lúc này có thể thấy, một cách tương đối thì khu vực FDI chỉ dịch chuyển rất ít hiểu biết và công nghệ của họ cho khối doanh nghiệp trong nước.

Vì vậy tác động lên nền kinh tế Việt Nam bị hạn chế đi rất nhiều”.

Thế nên vẫn còn đó nghịch lý kiểu như: Có những nhà máy FDI nắm giữ công nghệ thế hệ tiên tiến nhất nhưng tại Việt Nam, nhà máy ấy chỉ dành để đảm đương các khâu lắp ráp đơn giản với giá trị gia tăng thấp.

Do đó giá trị của sản phẩm làm ra nằm hầu hết ở các linh kiện, cấu kiện đầu vào được nhập khẩu. Và chỉ là lắp ráp giản đơn nên trình độ nhân lực cũng chỉ được đòi hỏi ở bậc phổ thông trung học.

Vì vậy, dù trải qua nhiều năm làm việc, đội ngũ những người lao động tại đây hầu như không tích lũy thêm được kiến thức chuyên môn nào về công nghệ…

Lẽ tất nhiên trong những ngày đầu mở cửa, chuyện một nền kinh tế bị tụt hậu, đang khát vốn đầu tư, mới thoát khỏi siêu lạm phát và bắt đầu làm quen với cơ chế thị trường lại đòi hỏi dòng FDI với hàm lượng công nghệ cao và sức lan tỏa lớn gần như là điều phi thực tế.

Dù tỷ lệ nội địa hóa ở nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tăng mạnh trong các năm gần đây (VD: SamSung đã tăng tỷ lệ nội địa hóa từ mức 34% năm 2014 lên mức 51% vào năm 2017) nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng trên bình diện chung, tính kết nối và chuyển giao công nghệ của khối doanh nghiệp nước ngoài cho các thành phần kinh tế khác đến nay vẫn còn hạn chế, tương tự như nhiều thập kỷ trước.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam đã có sẵn hệ sinh thái cho riêng mình hoặc cũng chỉ muốn gây dựng chuỗi giá trị với các ưu tiên cho doanh nghiệp có cùng nơi “chôn rau cắt rốn”.

Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp nội địa tuy đáp ứng được tiêu chuẩn gia nhập chuỗi giá trị rất khe khắt của FDI nhưng trước yêu cầu phải thay đổi liên tục về công nghệ, kiểu dáng thương mại của sản phẩm cũng khó lòng trụ vững.

Ở các doanh nghiệp liên doanh, không phải lúc nào các bên cũng “cơm lành canh ngọt”, có những trường hợp nhiều năm kinh doanh bết bát khiến cho phía Việt Nam đành chọn con đường thoái vốn để “cắt lỗ”.

Nắn chỉnh dòng FDI

Vậy làm sao để hóa giải các nghịch lý trên?

Tại Diễn đàn M&A thường niên hồi tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn nêu rõ quan điểm “nắn chỉnh” dòng FDI trước đông đảo giới đầu tư nước ngoài rằng

“Chính phủ Việt Nam chủ trương không còn thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Thay vào đó sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc hơn. Đó cần là những doanh nghiệp có công nghệ tốt, có nền quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối cùng doanh nghiệp trong nước và phù hợp quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam”.

Nói về việc thu hút FDI trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan góp ý, đối với những dự án hứa hẹn vốn lớn như luyện thép, hóa dầu - nơi hàm chứa nhiều rủi ro về môi trường và thách thức tiêu tốn năng lượng - hoặc dự án có thể gây ra hệ quả ngoài tầm kiểm soát về xã hội, văn hóa như đầu tư casiono… thì đã đến lúc không nên cho được hưởng ưu đãi.

PGS. TS Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho rằng khi doanh nghiệp nội có thể đảm đương đầu vào cho nhà đầu tư ngoại thì hiện tượng chuyển giá thông qua nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất tại doanh nghiệp FDI sẽ bị hạn chế đáng kể.

Ngoài ra, để chính sách “nắn chỉnh” dòng FDI hiệu quả hơn, suy nghĩ và hành động của tất cả các chính quyền địa phương, các bộ ngành cũng cần phải đồng lòng, thống nhất.

“Làm sao đó phải là rào cản kỹ thuật chung cho toàn quốc khi thu hút đầu tư chứ Bình Dương ‘bỏ’ mà chỗ khác ‘nhận’ theo kiểu cứ tặc lưỡi ‘có còn hơn không’ thì bao giờ mới khá được?”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam tâm tư thêm.

Tuy nhiên, theo nhà quản trị giàu kinh nghiệm Phạm Phú Ngọc Trai - nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pepsico Đông Dương - chính sách cần khôn khéo chứ không thể cứng nhắc đặt ra tiêu chí thu hút FDI theo kiểu “bán bia kèm mồi” bởi trong một thế giới hội nhập, nhà đầu tư ngoại sẽ có rất nhiều lựa chọn ở những nơi khác.

Tin bài liên quan