GS. TSKH Nguyễn Quang Thái

GS. TSKH Nguyễn Quang Thái

CPI tăng thấp là cơ hội tốt ổn định kinh tế 2015

(ĐTCK) Diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 nói chung, trong những tháng cuối năm nói riêng được đánh giá là khá bất thường và đi chệch mọi dự báo, song tác động của nó đối với nền kinh tế lại được nhìn nhận một cách tích cực.

Trao đổi với ĐTCK, GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội thuận lợi để ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Ông đánh giá thế nào về diễn biến của CPI năm nay cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế?

Có thể nói, diễn biến CPI năm nay, đặc biệt trong những tháng cuối năm khá bất ngờ đối với hầu hết các chuyên gia kinh tế, bởi nó tăng thấp hơn rất nhiều so với các dự báo đưa ra, trong đó thông số thường tổng kết của CPI là chỉ số giá tiêu dùng nói chung rất thấp. Theo tôi, CPI năm nay thấp chủ yếu là do 2 yếu tố: thứ nhất là nông nghiệp được mùa, khiến giá lương thực phẩm vốn chiếm tới 40% trong trọng số CPI giảm mạnh. Lý do thứ hai là do giá xăng dầu liên tục giảm, nhất là gần đây có đợt giảm rất sâu tới gần 10%, làm giá tiêu dùng tháng 12 này rất thấp.

Tuy nhiên, xét ở góc độ yếu tố thứ 2, theo nguyên tắc loại trừ yếu tố thời vụ của giá lương thực và giá xăng dầu, chỉ số lạm phát lõi thì CPI vẫn tăng 3-4%. Điều này cho thấy, trong năm 2015, vẫn có các yếu tố khác có thể làm CPI tăng lên. Và như Nghị quyết của Quốc hội, CPI tăng 5% là hợp lý, vì nó còn có yếu tố thời vụ, song điều đó cho thấy mối lo về lạm phát sẽ giảm hẳn. Vì vậy, có thể nói, đây là thời cơ hiếm có để Việt Nam tận dụng nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đưa nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Vậy, những yếu tố có thể tác động tới CPI trong năm 2015 là gì, thưa ông?

Yếu tố xăng dầu thế giới vốn có tác động mạnh tới CPI có thể còn giảm nữa, song tác động thuận là chính. Tất nhiên, giá dầu giảm cũng sẽ tạo ra nhiều khó khăn khác như thu ngân sách giảm. Song về cơ bản, giá xăng dầu giảm có tác động vòng sau đến nền kinh tế và làm cho nền kinh tế giảm bớt chi phí sản xuất và tăng giá trị gia tăng, từ đó phát triển tốt hơn. Vì vậy, tôi cho rằng, CPI sẽ là yếu tố thuận lợi trong thời gian tới. Kể cả nếu CPI sang năm có tăng thêm 1-2% thì vẫn có thể chấp nhận được vì Nghị quyết của Quốc hội dự kiến tăng tới 5%.

Với yếu tố thứ hai là mùa vụ nông nghiệp, theo kinh nghiệm, cứ có năm được mùa thì thế nào một vài năm sau lại khó khăn, thậm chí là mất mùa. Do đó, cần có dự phòng các yếu tố khó khăn của năm tới. Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương cần có lực lượng dự phòng ứng phó, dự trữ tại chỗ để có thể ứng phó kịp thời các biến động tại nơi xung yếu, tránh để xảy ra các tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội.

Trong tháng 12 này, chỉ số CPI cả nước âm (-) 0,24%. Theo ông, liệu CPI tháng 1 và 2 tới có tăng lên khi Tết Nguyên đán đã cận kề?

Tôi cho rằng, CPI 2 tháng đầu năm 2015 có thể tăng lên, song tăng không nhiều, bởi hai lý do. Thứ nhất là yếu tố lương thực thực phẩm và xăng dầu hiện đang kéo giá xuống. Thứ hai là sức mua cũng đang thấp, nên không đẩy giá cả tăng lên nhiều. Vì vậy, tới đây, chúng ta cũng cần phải đề phòng CPI xuống thấp, nhất là sau Tết.

Nói chung, diễn biến tình hình kinh tế của Việt Nam đang hơi khác bình thường, nhưng không đáng lo ngại.

Liệu có nguy cơ từ mức tăng thấp này của CPI khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát trong thời gian tới không, thưa ông?

Tôi không cho là có yếu tố thiểu phát ở đây, bởi thực tế là năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn rất tốt và thực ra lạm phát vẫn cao hơn so với các nước xung quanh. Các nước khác, CPI chỉ tăng 1-2%. Kể cả khi CPI năm nay của ta có giảm về mức 2,5% thì vẫn cao so với mặt bằng chung của thế giới. Do đó, chúng ta cần nhận thức được rằng, việc đưa lạm phát từ mức rất cao xuống đến mức này chính là thời cơ rất thuận lợi để Việt Nam ổn định nền kinh tế vĩ mô để tăng tốc phát triển.

Dù ta muốn tái cơ cấu nền kinh tế, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng thì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là điều kiện tiên quyết hàng đầu. Do đó, tôi nhấn mạnh một lần nữa là chúng ta cần tận dụng thời cơ hiếm có này.

Tin bài liên quan