Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng kinh tế 2015

(ĐTCK) Năm 2014 đã khép lại với nhiều dấu ấn đặc biệt và khá bất ngờ của bức tranh kinh tế chung.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, dù còn nhiều khó khăn thách thức, song những thành quả đã đạt được trong năm 2014 sẽ góp phần tạo những bước chuyển biến tích cực cho năm 2015, năm bản lề có ý nghĩa hết quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ông nhận định thế nào về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2014?

Năm 2014 là một năm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức an toàn. Tăng trưởng kinh tế ở mức khá và có tín hiệu khả quan ở những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Cụ thể, GDP năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Sản xuất một số ngành có dấu hiệu phục hồi tốt như nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%; sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%...

Các chỉ tiêu đạt được trong hoạt động ngân hàng cũng cho thấy những tiến bộ nhất định trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán tăng 15,99%; tín dụng tăng 12,62%, huy động vốn tăng 15,76%, dự trữ ngoại hối tăng cao; tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát trong biên độ.

Năm 2014 cũng ghi nhận thành công trong việc kiểm soát lạm phát, với mức tăng CPI bình quân 4,09% so với bình quân năm 2013. Đây là mức tăng khá thấp trong vòng 10 năm trở lại đây, qua đó, góp phần quan trọng ổn định nền kinh tế vĩ mô. 

Hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài ra sao, thưa ông?

Có thể khẳng định, hoạt động đầu tư nước ngoài năm nay cũng là điểm sáng của nền kinh tế, với nguồn vốn FDI thu hút khả quan so với năm 2013. Tính đến  15/12/2014, có 1.588 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 15.642,6 triệu USD, tăng 24,5% về số dự án và tăng 9,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Vốn FDI  thực hiện năm 2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước và cao hơn 2,9% so với kế hoạch năm 2014.

Xuất khẩu cũng đạt kết quả tích cực, với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Với con số này, ước tính, xuất siêu năm 2014 đạt khoảng 2 tỷ USD, mức cao nhất trong chuỗi xuất siêu 3 năm liên tục kể từ năm 2012, góp phần ổn định tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Một điểm tôi cũng muốn nhấn mạnh là tỷ giá thương mại hàng hóa (mối quan hệ giữa giá hàng xuất khẩu với giá hàng nhập khẩu) sau 3 năm liên tục giảm (năm 2011: 99,54%; năm 2012: 99,79%; năm 2013: 99,94%) thì năm 2014 đã đạt 101,83%, tăng 1,83%. Đây là dấu hiệu tốt của nền kinh tế vì biến động tăng của tỷ giá thương mại phản ánh thay đổi theo hướng tăng của thu nhập của quốc gia tính theo hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài. 

Tuy nhiên, năm 2014 cũng ghi nhận số lượng lớn các doanh nghiệp phải giải thể, đóng cửa do khó khăn. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

Trong năm qua, cả nước có 67.823 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Con số này thấp hơn số lượng 74.842 DN đăng ký thành lập mới.

Nếu so với tình hình DN rút khỏi nền kinh tế của nhiều nước phát triển thời gian qua thì con số DN rút khỏi nền kinh tế của Việt Nam là không đáng lo ngại. Tỷ lệ DN tồn tại sau 3 năm hoạt động tại Anh vào năm 2012 là 70%; sau 5 năm hoạt động là 50%. Trong khi đó, ở nước ta, tỷ lệ tồn tại là trên 60%.

Theo tôi, việc sàng lọc, đào thải là một quy luật của nền kinh tế thị trường. Theo đó, những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững. 

Theo ông, năm 2015, sẽ có những thách thức nào đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đâu sẽ là động lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,2%?

Có thể thấy, những thách thức đang hiển hiện là lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Trong khi đó, sản xuất của khu vực DN đứng trước thách thức của cơ chế thị trường và sức ép hội nhập quốc tế trong điều kiện năng lực cạnh tranh yếu, quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, nhất là khu vực DNNN và hệ thống ngân hàng cùng với nợ xấu chưa được giải quyết, nhất là nợ xấu của DNNN sẽ là những yếu tố tác động lớn tới mục tiêu phát triển kinh tế trong năm tới.

Bên cạnh đó, cầu nội địa tuy tăng hơn năm trước nhưng chưa mạnh. Cán cân thương mại tuy thặng dư song chưa thật vững chắc, do tập trung chủ yếu ở khu vực FDI với giá trị gia tăng thấp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ trong nước nhằm giảm nhập khẩu chuyển biến chậm. Cán cân hiện hành vẫn nhập siêu 2 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo vẫn có những diễn biến khó lường, nhất là xu hướng giảm của giá dầu mỏ, GDP vẫn có thể tăng nếu sản lượng khai thác dầu thô trong nước không thay đổi. Song nếu giá dầu giảm nhiều, mà không còn hiệu quả khai thác thì ta sẽ phải giảm sản lượng, do đó, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng năm 2015.

Tuy nhiên, nhìn vào một số ngành thì còn dư địa tăng rất nhiều, như ngành chế biến chế tạo. Nếu ngành công nghiệp này vẫn đạt mức tăng bình quân 9 - 10% sẽ bù được vào mức tăng trưởng bị hụt do cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô.

Tin bài liên quan