Công nghệ thông tin khó hút vốn ngoại

Công nghệ thông tin khó hút vốn ngoại

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, do sự thiếu vắng các quy định pháp lý cũng như những ưu đãi đầu tư cụ thể.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại Pulse 2014 - sự kiện toàn cầu lớn nhất trong năm về CNTT của Tập đoàn IBM (Hoa Kỳ) tổ chức tại Las Vegas (Hoa Kỳ), ông Joseph Rhoden, Giám đốc Bộ phận Global OEM Alliances của Công ty Redhat (Hoa Kỳ, chuyên sản xuất và cung ứng các công nghệ lưu trữ và điện toán đám mây) cho biết, Redhat chưa có ý định mở nhà máy hoặc văn phòng tại Việt Nam. Hiện nay, Redhat đang bán sản phẩm của mình tại Việt Nam thông qua IBM Việt Nam.

“Chúng tôi cần thấy các quy định pháp lý rõ ràng về phát triển CNTT tại các thị trường như Việt Nam, trước khi có thể trực tiếp bán sản phẩm hay mở nhà máy tại đây. Chúng tôi không muốn đối mặt với rủi ro. Hiện chúng tôi đã có văn phòng tại Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - những nơi có nhiều ưu đãi và các quy định pháp lý rõ ràng”, ông Rhoden nói.

Pulse 2014 hội tụ hàng trăm công ty CNTT hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, như IBM, Envision Enterprise Solutions, GenesisSolutions, Cohesive Information Solutions... Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của các công ty này cho biết, Việt Nam có thể thu hút được nhiều doanh nghiệp CNTT trên thế giới nếu các ưu đãi đầu tư, kinh doanh và các quy định pháp lý liên quan của Việt Nam minh bạch hơn.

Một ví dụ được nêu ra là, tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2013/NĐ-CP về các chính sách ưu đãi với doanh nghiệp hoạt động trong các khu CNTT tập trung (có hiệu lực từ tháng 1/2014), nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định này. Do vậy, các địa phương chưa thể áp dụng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT trong các khu CNTT tập trung.

Ông Rajiv Daljeet, đại diện cấp cao của Công ty GenesisSolutions (HoaKỳ), chuyên cung ứng các giải pháp quản lý tài sản của doanh nghiệp cho biết, Công ty “có thể sẽ hoạt động tại Việt Nam”, nhưng “việc này còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của Công ty trên toàn cầu và các quy định pháp lý liên quan của Việt Nam có tốt hay không”.

“Chúng tôi muốn biết, Việt Nam sẽ cần gì để phát triển một ngành CNTT vững mạnh. Nhưng điều chúng tôi cần nhất là một thị trường tự do, nơi có thể đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”, ông Daljeet nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Matt Logsdon, Phó giám đốc Khối Bán hàng và Marketing của Công ty Cohesive Information Solutions (Hoa Kỳ, chuyên sản xuất các loại phần mềm sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp) cũng cho biết, tại Đông Nam Á, công ty này hiện có một văn phòng tại Singapore, với nhiệm vụ là nghiên cứu thị trường Singapore nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung.

“Chúng tôi đang xem xét liệu sẽ có cơ hội làm ăn nào tại Việt Nam hay không, vì sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa có mặt tại đây. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn được ưu đãi về các loại thuế và đất đai như ở Singapore”, ông Logsdon kỳ vọng.

Còn ông Ramana R, Tổng giám đốc Bộ phận Bán hàng của Envision Enterprise Solutions Pvt Ltd (Ấn Độ, chuyên cung cấp các giải pháp kiểm tra và an ninh tài sản) thì cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển CNTT nhờ có nhiều kỹ sư CNTT và nhu cầu về các sản phẩm CNTT của cá nhân và doanh nghiệp đang ngày càng lớn.

“Chúng tôi cũng muốn bán sản phẩm của mình tại Việt Nam, nhưng trước tiên, chúng tôi cần nghiên cứu và khảo sát thị trường. Rào cản lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy là sự khác biệt về văn hóa, thói quen tiêu dùng, cũng như các quy định pháp lý liên quan đến phát triển CNTT của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn làm ăn tại các thị trường có sự minh bạch, ít tham nhũng và có các cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt”, ông Ramana nói.

Trong khi nhiều doanh nghiệp tham dự Pulse 2014 còn ngập ngừng khi tính chuyện làm ăn tại Việt Nam, thì một số ít doanh nghiệp, như IBM, vẫn đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng này.

“Trong năm nay và xa hơn nữa, chúng tôi sẽ đưa vào thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm thông minh và đa dạng hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên IBM lựa chọn để áp dụng các khung giải pháp ngành, tập trung vào các lĩnh vực như chính phủ, viễn thông và ngân hàng. Các giải pháp công ty đưa ra đang giúp những lĩnh vực hàng đầu này tăng tính cạnh tranh và ngày càng phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế”, ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam cam kết.

Được biết, IBM Việt Nam đã và đang làm việc với Chính phủ và các đối tác trong nước để hỗ trợ các tổ chức và các ngành như ngân hàng, giao thông và thực phẩm trong các dự án hành tinh thông minh hơn, nhằm mở rộng kinh doanh và nâng cao hiệu quả, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành và bảo vệ môi trường.

Tin bài liên quan