DNNVV bị phân biệt đối xử nặng nề trong tư duy ứng xử của cơ quan nhà nước tại các địa phương

DNNVV bị phân biệt đối xử nặng nề trong tư duy ứng xử của cơ quan nhà nước tại các địa phương

Công chức hạch sách khiến doanh nghiệp tư nhân ngày càng teo tóp

(ĐTCK) Nạn hạch sách nhũng nhiễu, chèn ép doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là tư duy phân biệt đối xử của một bộ phận không nhỏ cơ quan, công chức nhà nước khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân, vốn có hơn 98% thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, đang ngày càng teo tóp.

DNNVV cần được đảm bảo đối xử bình đẳng, cùng với một số cơ chế pháp lý đặc thù để có thể vượt qua được những khó khăn, định kiến và vươn lên phát triển.

Đây chính là yêu cầu bức thiết đặt ra trong việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, chuẩn bị trình Chính phủ xem xét trong tháng 7.

Tư duy chèn ép, phân biệt đối xử nặng nề

Tại hội thảo “Luật hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn cộng đồng DN” do Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Đệ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, chính sách cho DNNVV tuy đã có nhưng chưa phù hợp.

“Chính sách hiện nay như một người khổng lồ, một bên nâng đỡ DN lớn, bên kia chèn ép DN nhỏ. Thực tế là DN lớn được ưu đãi giao đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thậm chí, có địa phương bao thầu cho DN lớn bằng tiền ngân sách, gây ra mất bình đằng, giúp các DN này sau đó quay lại bóp nghẹt DN nhỏ”, ông Đệ nhận xét.

Không chỉ vậy, DNNVV bị phân biệt đối xử nặng nề trong tư duy ứng xử của cơ quan nhà nước tại các địa phương. Theo ông Đệ, “vướng mắc lớn nhất là việc thực thi luật của đội ngũ công chức tại các tỉnh. Chủ trương của Chính phủ là đồng hành hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, tuy nhiên, các địa phương không những không đồng hành, mà thậm chí còn chèn ép, khiến DN nhỏ như “cá nằm trên thớt”. Khi Hiệp hội DN đứng ra bảo vệ thành viên lép vế, ngay hôm sau có đoàn tới kiểm tra đủ loại giấy phép của các DN trong Hiệp hội”.

Trước thực tế này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là luật cần quy định chặt chẽ và có cơ chế nghiêm minh đối với việc thực thi tại địa phương, đồng thời xóa bỏ tư duy phân biệt đối xử để đảm bảo cơ hội bình đẳng với DNNVV. 

Loại bỏ quy định phân biệt đối xử “núp bóng” điều kiện kinh doanh

Ở góc độ pháp lý, theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cần bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô DN, không để DN nhỏ mất đi cơ hội và quyền lợi đáng ra được hưởng so với DN lớn. Vì vậy, đối với yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, việc dự thảo Luật nghiêm cấm cơ quan, tổ chức tiếp cận các nguồn lực “dựa trên tiêu chí về quy mô kinh doanh” hay “có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với DNNVV hoặc không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật” là những quy định hết sức cần thiết.

Luật sư Đức cho rằng, các quy định đã ban hành tại các nghị định về điều kiện kinh doanh dựa vào quy mô trái với tinh thần này cần phải được bãi bỏ ngay mà không cần chờ đến khi Luật có hiệu lực. Cụ thể, đó là quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về “Kinh doanh xuất khẩu gạo” yêu cầu DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của DN; quy định DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có tối thiểu 10 xe; riêng đối với Hà Nội, TP. HCM phải có tối thiểu 50 xe tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô”; DN phân phối bình gas (khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG) phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300m3, có số lượng bình gas các loại (không tính bình mini) thuộc sở hữu của DN với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít được quy định tại “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về “Kinh doanh khí”...

Bên cạnh đó, ngay cả quy định về mức vốn pháp định cũng cần được xem xét lại đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

“DN có vốn lớn đương nhiên sẽ có cơ hội kinh doanh bất động sản tốt hơn. Nhưng DN có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng vẫn hoàn toàn có khả năng kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ, với quy mô vài chục tỷ đồng, thậm chí vài trăm tỷ đồng”, ông Đức nêu quan điểm. 

Thay đổi tư duy hỗ trợ DN

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải thay đổi tư duy về hỗ trợ DN.

“Từ trước tới nay, chúng ta quan niệm, hỗ trợ khi DN gặp khó khăn, chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển. Vì vậy, luật này cần xác định cụ thể phải hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phương thức hỗ trợ tập trung vào việc giảm chi phí không chính thức và thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin cho”, ông Lộc nói.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ đánh giá, Luật Hỗ trợ DNNVV khó, lĩnh vực rộng, tác động đến 98% DN tại Việt Nam. Hiện nay, chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra rất lớn, Luật cần phải giải quyết vấn đề này, giúp DNNVV lớn lên, không thể mãi còi cọc, thiếu sức sống.

“Tôi đề nghị Luật đưa vào các chính sách có thể thực thi ngay, điển hình là quy định về thuế. DN nước ngoài sợ nhất là thủ tục hải quan và thuế, huống chi là DNNVV, vốn đã yếu thế về quy mô và nguồn lực. Phải làm sao để cải thiện được môi trường kinh doanh, tạo điều kiện và động lực để DN nhỏ phát triển”, ông Hà nhấn mạnh.    

Ông Ngô Văn Điểm, Chủ tịch Hiệp hội DN tư nhân Việt Nam

Có khoảng cách rất lớn từ quy định tới việc thực thi, công chức thường “bắt lỗi” DN, làm sai lệch chính sách và méo mó thị trường. Do đó, để đảm bảo việc giám sát quá trình thực thi quy định có hiệu quả, tôi đề nghị tại điều 29 về giám sát hỗ trợ DNNVV, bên cạnh quy định việc giám sát được thực thi bởi cơ quan có thẩm quyền, cần bổ sung thêm quy định cơ quan truyền thông, báo chí có thể phản hồi việc thực thi công vụ, công chức.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, chống tình trạng DN lớn chèn ép DN nhỏ, phải có quy định không tập trung nguồn lực cho DN lớn, đặc biệt là nguồn lực nhà nước. Đề nghị bổ sung thêm phần hành vi kỳ thị vào điều khoản về hành vi phân biệt đối xử, để triệt tiêu tận gốc tư duy kỳ thị, phân biệt đối xử đối với DN tư nhân, DN nhỏ trong tư tưởng của công chức, cơ quan nhà nước.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex)

Cần đánh giá đúng vai trò của tổ chức hiệp hội DN. Chính phủ nên giao bớt quyền của cơ quan bộ, ngành cho các hiệp hội vừa và nhỏ, bởi đây là tổ chức đại diện cho tiếng nói của DN, đồng thời cũng là cơ quan truyền tải mọi chủ trương, chính sách của nhà nước đến DN nhanh chóng nhất.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên hỗ trợ nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của DN khởi nghiệp, bởi đây là động lực quan trọng giúp thực hiện mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, cũng như cải thiện bộ mặt khu vực DNNVV. 

Ông Đặng Thế lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An, Hải Phòng

Điều cần làm hiện nay là đặt tiêu chuẩn chất lượng DNNVV lên hàng đầu, bởi hội nhập sâu rộng mà không có sức mạnh thì DNNVV sẽ bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi. Cần phân biệt riêng 3 loại hình DN: nhỏ, vừa, siêu nhỏ, không để chung chung như hiện nay, từ đó đi đến sử dụng biện pháp riêng, cụ thể để hỗ trợ từng nhóm.

Tin bài liên quan