Công bố thông tin: Nhiều doanh nghiệp nhà nước vi phạm

Công bố thông tin: Nhiều doanh nghiệp nhà nước vi phạm

(ĐTCK) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt tổng công ty, tập đoàn nhà nước vi phạm quy định công bố thông tin, trong đó có những doanh nghiệp từng bị “bêu tên” nhiều lần.

Cụ thể, trong tổng số 534 doanh nghiệp nhà nước (chưa bao gồm các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), đến thời điểm này, có 383 doanh nghiệp, chiếm 71,67%, gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để thực hiện công bố thông tin năm 2018 trên Cổng thông tin doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NÐ-CP.

Như vậy, vẫn còn tới hơn 150 doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, dù thời gian qua Chính phủ và các cơ quan hữu trách đã có văn bản nhắc nhở. Ngoài các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, nông lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương, trong số này có một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Nhiều công ty con do tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn cũng chưa thực hiện nghiêm túc quy định công bố thông tin. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 2 doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất có 2 doanh nghiệp, Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước có 2 doanh nghiệp, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có 1 doanh nghiệp và Tổng công ty Cà phê Việt Nam 1 doanh nghiệp.

Ðáng chú ý, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sau khi nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ các bộ, ngành vẫn chưa thực hiện đăng tải nội dung công bố thông tin của các doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định. Theo khảo sát của người viết, trên trang web của Ủy ban Quản lý vốn, tại thời điểm cuối tháng 8/2019, vẫn chưa xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin của 19 tập đoàn, tổng công ty mà cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đã yêu cầu cơ quan này chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017 theo quy định tại Nghị định 81/2015/NÐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước để “nhắc nhở”, chấn chỉnh tình trạng chậm trễ này.

Với các địa phương và tập đoàn kinh tế, mới chỉ có 12/63 địa phương có xây dựng chuyên mục riêng về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước mà địa phương quản lý.

Bên cạnh căn bệnh chậm trễ mãn tính, phần lớn doanh nghiệp nhà nước đều công bố thiếu các loại thông tin, báo cáo theo quy định. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, tính đến ngày 31/12/2018, trong tổng số 9 loại báo cáo phải công bố theo Nghị định 81/2015/NÐ-CP thì hầu hết các doanh nghiệp chưa công bố đầy đủ. Trung bình, mỗi doanh nghiệp chỉ công bố 5/9 loại báo cáo và còn tới trên 40% số doanh nghiệp công bố thiếu các thông tin về kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển trong 3 năm gần nhất.

Ngoài ra, các thông tin công bố về kết quả đổi mới sắp xếp doanh nghiệp, báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức, báo cáo tài chính năm 2017 và 6 tháng năm 2018, báo cáo lương thưởng vẫn còn 15 - 25% doanh nghiệp chưa công bố hoặc công bố chưa đầy đủ.

Trong số các tập đoàn kinh tế, mới chỉ có Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố 8/9 báo cáo đúng thời hạn, 4 tập đoàn còn lại là PVN, Vinachem, EVN và Tập đoàn Cao su Việt Nam trong năm 2018 chỉ công bố 5 - 6 loại. Trong khi đó, xét về thời hạn, tính đến cuối năm 2018, trong 55 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phần lớn đều chưa thực hiện công bố đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định 81. 

Ðể chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét khiển trách, xử phạt và cảnh cáo đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ công bố thông tin trong năm 2018 và trong 3 năm 2016 - 2018, đồng thời công khai nội dung xử lý trách nhiệm này.

Với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, các bộ và UBND khẩn trương xây dựng chuyên mục và thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép công khai tình hình thực hiện công bố thông tin để tăng tính minh bạch của doanh nghiệp và trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu.  

Theo Điều 10, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải định kỳ công bố các thông tin sau đây:

a) Chiến lược phát triển của doanh nghiệp;

b) Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm (05) năm của doanh nghiệp;

c) Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp;

d) Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và ba (03) năm gần nhất tính đến năm báo cáo;

đ) Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có);

e) Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm;

g) Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp;

h) Báo cáo tài chính sáu (06) tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp;

i) Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan