Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chúc mừng thành phố Phủ Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thi loại II.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chúc mừng thành phố Phủ Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thi loại II.

Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Phủ Lý là đô thị loại II

Tối 20/12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Phủ Lý tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Phủ Lý (2008 – 2018) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung… đến dự.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý Nguyễn Anh Chức cho biết, tên “Phủ Lý” gắn với mảnh đất nơi đây từ năm 1832. Giai đoạn 1960 - 1996, mang tên thị xã Hà Nam, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1997, cùng với việc tái lập tỉnh Hà Nam, thị xã Hà Nam trở lại tên gọi thị xã Phủ Lý và trở thành tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam. Năm 2006, thị xã Phủ Lý được công nhận là đô thị loại III. Năm 2008, theo Nghị định số 72 của Chính phủ, thị xã Phủ Lý chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Sau 10 năm thành lập (2008-2018), Phủ Lý đã có nhiều thay đổi với tốc độ phát triển nhanh, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, cảnh quan đô thị được cải thiện ngày càng khang trang, đồng bộ, các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng tạo điểm nhấn cho thành phố, nhiều công trình thương mại, dịch vụ được hình thành như: Khu vực thương mại, dịch vụ bờ Đông, bờ Tây sông Ðáy,...

Khu trung tâm y tế chất lượng cao cấp vùng tại thành phố Phủ Lý đã thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng và nghiên cứu đầu tư như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2; Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Sản phụ Nhật Bản...

Khu Đại học Nam Cao với quy mô trên 754 ha đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, thu hút được 17 trường đại học về nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn thành phố bước đầu đã hình thành khu trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nam và các tỉnh, thành trong khu vực.

Từ đô thị loại III, công - nông nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển, đến nay, kinh tế của thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, giai đoạn 2015 – 2018 tăng trưởng hàng năm đạt trên 16%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 105,3 triệu đồng/người/năm, tăng 6,6 lần so với năm 2008. Tốc độ thu ngân sách tăng trưởng vượt bậc qua các năm, đặc biệt là nguồn thu cân đối, tốc độ tăng trung bình hàng năm đạt 22,61%.

Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng 14,7 lần so với năm 2008; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng gần 17 lần so với năm 2008.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao và thân thiện với môi trường, đã hình thành các vùng chuyên canh trồng rau sạch, hoa, cây cảnh, cây ăn quả ở các xã sản xuất nông nghiệp... Phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, đến nay, cả 10/10 xã được UBND tỉnh Hà Nam công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá – xã hội được chăm lo, phát triển. Đến nay, thành phố có 55/62 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 88,7%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,7% trên tổng số dân. Tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố hiện giảm còn 2,3%, giảm bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 0,54%.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Phủ Lý đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phủ Lý cần quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa, đoàn kết nhất trí; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tận dụng những cơ hội phát triển mới có tính đột phá, tập trung nâng cao chất lượng đối với hệ thống tiêu chí đô thị loại II, xây dựng thành phố phát triển nhanh theo hướng hiện đại, bền vững đặt trong mối liên hệ với sự phát triển chung của tỉnh, của vùng thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Thành phố Phủ Lý cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại, tích cực thu hút đầu tư, phấn đấu để Phủ Lý trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục đào tạo và du lịch theo lộ trình xây dựng, phát triển thành phố Phủ Lý đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra tại Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy.

Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất có chất lượng và giá trị kinh tế cao; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính; xây dựng chính quyền đô thị; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan thành phố; quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt.

Thành phố cũng cần chú trọng đầu tư cho văn hoá - xã hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người Phủ Lý văn minh thanh lịch; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tin bài liên quan