Con đường sáng tạo

Con đường sáng tạo

(ĐTCK) Tổng kết nền kinh tế năm 2016 có thể tóm lược trong một cụm từ rất ngắn: “Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng”.

Khó khăn và thách thức với một nền kinh tế ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp lúc nào cũng hiện hữu, nhưng việc lấy lại đà tăng trưởng đang cho phép chúng ta lạc quan hơn về tương lai kinh tế đất nước.

Thu nhập trung bình thấp, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới là những nước có thu nhập bình quân đầu người từ 876 - 3.465 USD/năm. Việt Nam phải mất tới 25 năm đổi mới để đưa đất nước từ quốc gia nghèo, chậm phát triển vào danh sách này và chắc chắn sẽ còn một quãng đường dài để đưa đất nước vào danh sách các nước có thu nhập trung bình cao, tức là thu nhập bình quân đầu người từ 3.466 - 10.725 USD/năm.

Năm 2016, mức thu nhập chỉ tăng thêm 106 USD/người/năm. Con số khiêm tốn này đặt ra một câu hỏi lớn là liệu chúng ta có thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” mà rất nhiều nước không vượt lên nổi và liệu Việt Nam sẽ đi bằng cách nào để vào danh sách các nước phát triển, thịnh vượng?

Trong năm 2016, con đường đó đã được Ðại hội Ðảng lần thứ XII chỉ ra. Ðó là sức mạnh được tạo lập bởi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, dựa trên nền tảng con người Việt Nam cần cù, bất khuất, thông minh và sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã đưa ra lời cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ðiều này có nghĩa, các doanh nghiệp sẽ được hưởng một môi trường kinh doanh thuận lợi từ các bộ, ngành và địa phương. Từ đó, doanh nghiệp, doanh nhân bằng bàn tay và khối óc của mình tự kiến lập sự nghiệp kinh doanh, tạo ra những kỳ tích đưa đất nước đi lên.

Với hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới năm 2016, một kỷ lục đã được thiết lập. Mục tiêu Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, rồi 5 triệu doanh nghiệp không phải quá xa vời.

Trong một thế giới đang ở giai đoạn bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự sáng tạo sẽ quyết định tính cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi nền kinh tế. Cộng đồng khởi nghiệp đang được hỗ trợ phát triển, các doanh nghiệp đã định hình đang chuyển động từ phát triển dựa trên lao động nhân công giá rẻ, thâm dụng tài nguyên sang xu thế hội nhập, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng dựa trên những phát minh, sáng chế của riêng mình.

Tất nhiên, trên con đường phát triển đó, còn nhiều điều phải suy nghĩ, cần có giải pháp để giải quyết rốt ráo.

Ðó là kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp. Những vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính vẫn là trở ngại làm cho chi phí trung gian ở mức cao, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…

Ðể đuổi kịp các nước, Việt Nam phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN. Khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề, nhưng nếu không có khát vọng sẽ không có được ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển cho một Việt Nam thịnh vượng như mong ước của các thế hệ cha ông, như niềm kiêu hãnh dành lại cho thế hệ tương lai.

Tin bài liên quan