Cổ phần hóa Vinalines, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ

Cổ phần hóa Vinalines, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ông lớn hàng hải vốn đã bị chậm gần 2 năm.     

Nhà nước nắm quyền chi phối

Có khá nhiều thay đổi quan trọng liên quan tới kế hoạch phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong những năm tới, chiểu theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ hôm 23/12/2016 về kết quả tái cơ cấu và phương án cổ phần hóa “ông lớn” hàng hải (Thông báo số 449/TB – VPCP).

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải với tư cách là bộ chủ quản, tiếp thu ý kiến các Phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ để hoàn chỉnh lại phương án cổ phần hóa Vinalines, bao gồm việc Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines. Thời điểm xác định lại giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Vinalines được ấn định là ngày 31/12/2016.

Việc quyết định nắm giữ 65% vốn điều lệ Công ty mẹ - Vinalines cho thấy, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Tổng công ty này trong đời sống kinh tế - xã hội.

Chỉ đạo này của Thủ tướng đã chấm dứt những cấn cá liên quan đến tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, một trong những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines đã kéo dài 35 tháng (thay vì 18 tháng so với kế hoạch đề ra).

Được biết, trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ được Vinalines trình lên bộ chủ quản hồi giữa tháng 3/2015, Nhà nước sẽ chỉ nắm tối đa 36% vốn điều lệ. Mức thoái vốn này được đánh giá là “sâu” nhất trong số các tổng công ty 91 đã và đang lên phương án cổ phần hóa hiện nay.

Cổ phần hóa Vinalines, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ ảnh 1

 Kế hoạch phát triển của vinalines (2016-2010) 

Cụ thể, trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty mẹ - Công ty cổ phần Vinalines dự kiến lên tới 9.300 tỷ đồng, Nhà nước chỉ nắm 334,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), tương đương 36% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 279 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn điều lệ. Riêng cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên là hơn 1,8 triệu cổ phần, tương đương 0,19% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 0,5 triệu cổ phần, tương đương 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ra bên ngoài là 313.898.200 cổ phần, tương đương 33,75%.

Cần phải nói thêm rằng, theo Quyết định 37/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Công ty mẹ - Vinalines thuộc danh mục khi thực hiện cổ phần hóa nhà nước cần nắm giữ từ 75% vốn điều lệ trở lên.

Việc quyết định nắm giữ 65% vốn điều lệ Công ty mẹ - Vinalines cho thấy, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Tổng công ty này trong đời sống kinh tế - xã hội. Tỷ lệ nắm giữ này sẽ không làm giảm quá nhiều sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines khi mời gọi các đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Trông chờ từ các cảng biển

Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối tại Công ty mẹ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Vinalines nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng. Vinalines sẽ được tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, đồng thời, thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển.

Đối với các cảng biển còn lại thuộc Vinalines, Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh tỷ lệ Vinalines nắm giữ theo hướng trước mắt duy trì vai trò chi phối của Vinalines, phù hợp với chiến lược sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đến năm 2020 và quy hoạch hệ thống cảng biến Việt Nam đến năm 2050. Đây cũng chính là những đề xuất mới đây của Vinalines liên quan tới định hướng phát triển của tổng công ty này trong 5 năm tới.

Có khá nhiều lý do khiến Vinalines quyết giữ quyền chi phối tại một số cảng biển trọng yếu. Cụ thể, trong những năm qua, chính hoạt động kinh doanh khởi sắc của khối cảng biển và dịch vụ đã gánh đỡ các khoản thua lỗ của mảng vận tải biển, giúp ông lớn Vinalines cân bằng thu chi. Bên cạnh đó, các cảng biển với giá trị tiềm năng, sẽ làm tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư khi cổ phần hóa Công ty mẹ.

Cụ thể, trong năm 2016, khối cảng biến thuộc hệ thống của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã mang lại lợi nhuận trước thuế 923 tỷ đồng, khối dịch vụ lãi 1.140 tỷ đồng (hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ đều có lãi, trừ nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines). Hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của Vinalines trong năm nay cũng tiếp tục làm ăn khởi sắc, mang lại 1.140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Hiện tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Vinalines tại các công ty cổ phần cảng biển lớn như sau: Cảng Hải Phòng (92,56%), Cảng Sài Gòn (65,45%), Đà Nẵng (75%), Cần Thơ (99,05%), Cam Ranh (80,9%), Nghệ Tĩnh (51%), Cái Lân (56,58%)… Trong số này, Vinalines muốn giảm vốn nắm giữ tại cảng Hải Phòng từ 92,56% xuống còn 65% vốn điều lệ, nhằm có nguồn tái cơ cấu các khoản vay từ các ngân hàng nước ngoài để tránh rủi ro bị bắt tàu.

Trong khi đó, lĩnh vực vận tải biển tiếp tục là điểm tối trong bức tranh đã dần bớt u ám của Vinalines. Cụ thể, đến hết tháng 12/2016, hoạt động vận tải biển chịu lỗ 1.980 tỷ đồng do sự lao dốc của thị trường vận tải biển với chỉ số BDI ở mức sát đáy 240 điểm, so với mức gần 12.000 điểm vào năm 2008.

“Hai khoản lợi nhuận này đã góp phần bù đắp khoản thua lỗ khủng từ khối vận tải biển giúp Vinalines hòa vốn”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Tin bài liên quan