Cổ phần hóa thoái trào, không thể chỉ “rút kinh nghiệm”

Nhìn lại tiến trình cổ phần hóa (CPH) có biểu hiện thoái trào kể từ đầu năm 2018, TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, rất khó để hoàn thành CPH 127 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020. “Đã đến lúc không thể rút kinh nghiệm trước việc chậm trễ trong CPH”, ông Sinh bày tỏ quan điểm.
TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

CPH có dấu hiệu chậm dần kể từ đầu năm 2018. Một số nguyên nhân đã được nói đến như các địa phương, bộ, ngành chưa quyết liệt. Theo ông, còn có nguyên nhân nào nữa?

Các nguyên nhân đã được chỉ ra từ nhiều năm trước, được đề cập trong nhiều văn bản khác nhau, từ báo cáo giám sát của Quốc hội, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo tổng kết, kết luận tại các cuộc hội nghị, hội thảo...

Nói chung, nguyên nhân chậm CPH, thoái vốn là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương còn chưa cao, chưa quyết liệt. Quá trình CPH mất nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động… Ngoài ra, còn nguyên nhân nhận thức về chủ trương CPH, thoái vốn, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của một số lãnh đạo đơn vị chưa quyết liệt; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa rõ trong vấn đề đổi mới khi CPH, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, thoái vốn. 

Tuy nhiên, theo tôi, ngoài các nguyên nhân kể trên, thì việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm triển khai CPH, thoái vốn chưa nghiêm cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến CPH đứng trước nguy cơ không hoàn thành mục tiêu.

Đã nhiều lần, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu các đơn vị chậm trễ trong CPH, thoái vốn, thưa ông?

Không phải bây giờ, mà ngay từ năm 2015, trong Hội nghị Đẩy mạnh tái cơ cấudoanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo Chính phủ khi đó đã nhấn mạnh: “Ai không muốn CPH thì đứng sang một bên”. Quan điểm của Chính phủ là phải xử lý ở hình thức cao nhất là cách chức, bãi nhiệm, hoặc ít nhất là chuyển công tác đối với những cá nhân cố tình trì hoãn tiến trình CPH.

Tuy nhiên, qua theo dõi, tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật, kể cả kỷ luật ở hình thức nhẹ nhất là khiển trách, cảnh cáo. Chính vì vậy, người ta không sợ khi không thực hiện nghiêm chỉ đạo trong việc đẩy mạnh CPH, thoái vốn.

Theo ông, vì sao không xử lý được người đứng đầu chậm chễ trong CPH, thoái vốn?

CPH, thoái vốn là vấn đề rất phức tạp vì liên quan đến tài sản nhà nước. Nhiệm vụ này càng ngày càng phức tạp hơn do quy mô doanh nghiệp nhà nước CPH lớn hơn trước rất nhiều, lại hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực trên địa bàn rộng khắp cả nước, sở hữu nhiều tài sản, đặc biệt là đất đai, nên việc xác định giá trị tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất phức tạp. Vì vậy, chỉ cần vin vào lý do cần thời gian để xác định tài sản nhà nước, xác định giá trị doanh nghiệp nhằm mục đích không để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần là đã rất khó xử lý người đứng đầu để chậm chễ CPH, thoái vốn.

Trong văn bản chỉ đạo thì chỉ ghi chung chung là từng bộ, ngành, địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước và người đứng đầu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc để làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ CPH trong thời gian tới.

Theo tôi, đã đến lúc không thể tiếp tục “rút kinh nghiệm sâu sắc” được nữa, mà phải xử lý mạnh tay đối với người đứng đầu, cán bộ, công chức chậm chễ trong CPH, thoái vốn.

Như ông nói, chỉ cần đưa ra lý do như trên là hoàn toàn có thể kéo dài thời gian CPH, vậy thì xử lý trách nhiệm thế nào được?

Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp nhà nước đã yêu cầu Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến khai mạc vào ngày 20/5/2019) về việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần ai không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc CPH, thoái vốn có thể bị thay thế, bãi nhiệm.

Quốc hội đã có nghị quyết, đã ấn định thời gian báo cáo tình hình xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể, cá nhân trong việc CPH thì không thể đưa ra bất cứ lý do nào để giải thích cho việc không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo về CPH; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Ông có tin là tiến trình CPH, thoái vốn sẽ khởi sắc, thậm chí là bứt phá trong năm nay?

Năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Với tinh thần bứt phá trong CPH, thoái vốn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai việc thoái vốn; rà soát, điều chỉnh lại danh sách đơn vị thực hiện CPH, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo khả năng thực hiện.

Tôi tin, tiến trình CPH, thoái vốn năm 2019 sẽ khởi sắc, chấm dứt được tình trạng “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Tin bài liên quan