Cổ phần hóa ì ạch thách thức kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Cổ phần hóa ì ạch thách thức kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn chậm trễ khiến khả năng hoàn thành đúng kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2019 là rất thấp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thách thức rất lớn hiện nay là phải cổ phần hóa 95 DNNN ngay trong năm 2019, thay vì 18 doanh nghiệp để hoàn thành kế hoạch đã phê duyệt tại Văn bản số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ.

“Có lý do để lo ngại rằng, năm 2019 khó vượt qua thách thức này, nhất là khi trong danh sách cổ phần hóa còn lại có những tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước quy mô rất lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Phát điện 1 và 2, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, MobiFone… Trong bối cảnh này, khả năng hoàn thành đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất thấp”, ông Cung nhận định.

Một phương án được nhiều bộ ngành và địa phương đề xuất là phê duyệt lại lộ trình trên nguyên tắc chuyển việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc kế hoạch 2017 - 2018 và 2019 sang thực hiện lộ trình đến hết năm 2020, thay vì thực hiện kế hoạch tại Văn bản 991 là chỉ thực hiện cổ phần hóa 1 doanh nghiệp trong năm 2020.

Tuy vậy, theo CIEM, ngay cả trong trường hợp hoàn thành kế hoạch số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa vào cuối năm 2020, thì nhiều mục tiêu quan trọng khác của cổ phần hóa vẫn rất khó hoàn thành, như mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức sàn quy định, thu hút đầu tư tư nhân. Như vậy, trên thực tế, mục tiêu kế hoạch cổ phần hóa vẫn không đạt được.

Không chỉ chậm trễ về tiến độ, một vấn đề nổi cộm trong cổ phần hóa thời gian gần đây là IPO các DNNN rất khó khăn, cũng như việc thực hiện quy định và chính sách cổ phần hóa còn vướng mắc, đặc biệt là xử lý vấn đề đất đai, tài chính.

Ngoài một số rất ít IPO thành công như IDICO, Vinafood 2, nhiều doanh nghiệp đạt tỷ lệ IPO rất thấp so với phương án đã duyệt như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp chỉ đạt 0,1%, Công ty Bột mỳ (Vinafood 1) đạt 4%, Công ty Cao su Tân Biên 0,4%, Công ty Cấp nước Gia Lai 0,04%, GENCO 3 đạt 2,8%; Tổng công ty Sông Đà 0,4%... Thậm chí, có doanh nghiệp không bán được cổ phần cho bên ngoài, cổ đông nhà nước và tập thể người lao động phải nắm giữ toàn bộ cổ phần.

Theo ông Cung, có nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng này, ví dụ xét về pháp luật, cổ đông chiến lược đang bị đối xử như những cổ đông thông thường, không có lợi ích hấp dẫn đặc biệt nào ngoài quyền tham gia vào doanh nghiệp theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ. Trong khi về kinh tế, hiệu quả hoạt động của DNNN có xu hướng giảm. Những lợi thế kinh tế, cạnh tranh, độc quyền và chính sách ngày càng bị thu hẹp khiến sức hấp dẫn của cổ phần hóa DNNN không còn quá lớn.

“Trên thực tế, những DNNN có chỉ số kinh doanh tốt hơn sẽ thực hiện IPO thành công hơn. Điều này đặt ra yêu cầu phải xem lại cách thức tiến hành cổ phần hóa, chẳng hạn tiến hành các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Cách thức này có hiệu quả dài hạn, nhưng mâu thuẫn với áp lực hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa được giao, do đó cần cân nhắc”, ông Cung khuyến nghị.

Liên quan đến những khúc mắc về xử lý đất đai khi cổ phần hóa, theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc định giá tài sản.

“Tài sản lớn nhất của DNNN để thu hút nhà đầu tư chính là bất động sản, mà cụ thể là những mảnh đất “vàng” doanh nghiệp sở hữu, vốn là những tài sản rất nhạy cảm và khó khăn trong việc định giá. Việc giao cho DN thuê định giá bên ngoài dễ dẫn tới sai phạm, do đó, nguyên tắc chung là để thị trường định giá. Đây là cách khách quan, vừa đúng với nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo không xảy ra sai phạm, tiêu cực”, ông Thế Anh nói.

Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp cổ phần hóa cần công bố rõ lộ trình và tỷ lệ thoái vốn sau 3, 6 tháng để nhà đầu tư nắm được và có dự định đầu tư. Doanh nghiệp chỉ thoái vốn sau khi niêm yết và mức giá công bố theo hướng bán dần chứ không bán ồ ạt.

“Nếu nhà đầu tư quan tâm, họ sẽ đưa ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu. Đó chính là mức giá mà thị trường trả cho giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần công bố tài sản, sổ sách một cách minh bạch”, ông Thế Anh cho biết.

Theo thống kê của CIEM, tính đến cuối quý I/2019, trong danh sách 108 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2018 ban hành theo Văn bản số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, còn tới 77 doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa (chiếm 71%).

Đáng chú ý, phần lớn bộ, ngành, địa phương không hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, Bộ Công thương mới có 2 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong số 6 doanh nghiệp thuộc kế hoạch 2017 - 2018, Bộ Xây dựng có 2/4 doanh nghiệp được phê duyệt, Hà Nội chỉ có 1/15 doanh nghiệp, TP.HCM chưa có doanh nghiệp nào cổ phần hóa trong số 39 doanh nghiệp cần cổ phần hóa thuộc kế hoạch năm 2018.

Tin bài liên quan