Cờ cải cách trao tay thủ lĩnh ngành, địa phương

Cờ cải cách trao tay thủ lĩnh ngành, địa phương

Chính phủ đang bàn về phiên bản thứ sáu của Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thông điệp rất rõ ràng: không có cơ hội nào cho sự dùng dằng trong tháo gỡ rào cản kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nhưng có lẽ lần này, Chính phủ đang trao cờ vào tay các thủ lĩnh ngành, địa phương, thay vì cách phân giao nhiệm vụ cụ thể như những năm trước.

Trong Dự thảo Nghị quyết 19-2019 đang được lấy ý kiến, có nội dung rất khác so với những năm trước. Đó là, thay vì một danh mục công việc phải làm mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện, lần này, Chính  phủ yêu cầu các đơn vị phải tự lên kế hoạch, có giải pháp thực thi để đảm bảo mục tiêu cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam.

Có nghĩa, chất lượng cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng môi trường kinh doanh tới đây tăng hay giảm, cao hay thấp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các thủ lĩnh ngành, địa phương hiểu và thực hiện nhiệm vụ trên thế nào.

Phải nhắc lại rằng, sau 5 năm thực hiện các phiên bản Nghị quyết 19, sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao đã rất khác so với năm đầu tiên.

Năm 2014, chỉ có Bộ Tài chính (lĩnh vực thuế và hải quan), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (lĩnh vực Tiếp cận điện năng) và TP. HCM được nhắc tới trong vai trò tiên phong triển khai thực hiện nghị quyết. Đến năm 2016, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Hà Nội, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Bắc Ninh… được nhắc tên. Danh sách này đã dài ra và đến năm 2018, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã tham gia.

Quan trọng hơn, là những kết quả rõ ràng đã được ghi nhận. Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2018 được cải thiện  21 bậc so với năm 2015, trong đó, chỉ số Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc, Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc…  Chỉ số hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016. Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2018 tăng 26 bậc so với năm 2014. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016; Mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc…

Tuy nhiên, các báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 19-2018 đều nhận định, mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều và do vậy, kết quả đạt được cũng khác nhau. Ngay trong một bộ, có lĩnh vực được ghi nhận cải cách tích cực, song có những lĩnh vực còn chậm hoặc ít chuyển biến.

Điều đáng nói ở đây không chỉ là các bộ, ngành, địa phương có hành động hay không, mà là hành động như thế nào. Nếu vẫn giữ tư duy quản là chính, thuận lợi của cơ quan nhà nước là chính để thực hiện các nhiệm vụ mới, những thay đổi tích cực chỉ xuất hiện khi có sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ và áp lực mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, công luận.

Thực tế đã cho thấy điều này khi nhiều bộ, ngành vẫn đề xuất những quy định, thủ tục mà các bộ, ngành khác vừa bãi bỏ. Trong các văn bản đề xuất bãi bỏ, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vẫn có không ít các quy định chưa cụ thể, thiếu nhất quán, chưa tiên liệu trước được; hiệu lực thực thi thấp.

Đặc biệt, tình trạng cán bộ, công chức vẫn cố tình gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong kiểm tra, thanh tra và thực hiện các thủ tục hành chính… vẫn còn khi họ là người bị giao nhiệm vụ thực hiện thay đổi, chưa phải là người chủ động tìm cách thay đổi…

Đã đến lúc, từng công chức trong bộ máy quản lý nhà nước phải thấy rõ trách nhiệm cá nhân trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động…

Cờ đã được trao cho các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố!

Tin bài liên quan