Ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Chuyên gia WB: Tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp

Liên quan vấn đề tăng giá điện từ ngày 1/12/2017, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, việc đưa ra mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn.

Theo quan sát của ông, giá điện tại Việt Nam hiện ở mức nào so với khu vực và thế giới?

Các nước có tiềm năng về năng lượng và giá thành sản xuất điện khác nhau. Trong trường hợp Việt Nam, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Tất cả sản lượng điện sản xuất mới từ than nhập khẩu và trữ lượng khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn. 

Tuy mức giá thành khác nhau như vậy, nhưng giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với một số nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Có thể so sánh, giá điện tại Campuchia, Lào, Philippines và Indonesia lần lượt là 19 UScent/kWh, 9 UScent/kWh, 14,6 UScent/kWh và 7,3 UScent/kWh.

Giá bán lẻ điện mới ước tính làm chỉ số giá tăng 0,1% trong năm 2018 và giảm mức tăng GDP là 0,166%. Ông đánh giá thế nào về tác động này?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp, nhất là khi áp dụng mức tăng giá từ từ. Nguyên nhân là, chi phí tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng, mặc dù tác động đó có thể còn lan truyền đôi chút sang các loại hàng hóa và dịch vụ khác có tiêu thụ điện trong sản xuất. Hiện nay, lạm phát khá thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tăng giá điện.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tác động của tăng giá điện lên lạm phát là khá thấp, nhất là khi áp dụng mức tăng giá từ từ

Đối với tăng trưởng GDP, hiện có hai hiệu ứng trái ngược. Một mặt, giá điện tăng sẽ giúp các công ty sản xuất điện cải thiện tình hình tài chính. Nhờ vậy, Chính phủ có thể cắt giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.

Mặt khác, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, nhất là những ngành tiêu thụ nhiều điện năng. Các ngành này sẽ chịu một số tác động ngắn hạn, nhưng về lâu dài, tăng giá điện sẽ buộc khách hàng điều chỉnh cách sử dụng điện của mình. Họ sẽ chuyển sang sử dụng điện lệch giờ cao điểm để được hưởng giá thấp hơn, hay áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện. Như vậy sẽ góp phần tăng năng suất lao động.

Tiêu thụ điện trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn ở mức cao, đồng nghĩa với đòi hỏi đầu tư vào ngành điện sẽ khá lớn. Theo ông, mức giá hiện nay có hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài để họ sẵn sàng bỏ vốn vào ngành điện?

Mô hình cấp vốn ngành điện trước đây của Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công, nhưng hiện nay sẽ không khả thi do Chính phủ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế.

Chiến lược chung về giá điện của Bộ Công thương là đảm bảo cho EVN có đủ lãi để bù đắp đủ chi phí hoạt động và hoàn trả vốn vay. Do dựa chủ yếu vào thủy điện, nên năm nào có lượng mưa đạt mức trung bình thì EVN có lãi.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư của EVN và ngành điện rất lớn, khoảng 4 - 7 tỷ USD/năm từ nay tới năm 2030. Con số này chưa thể hiện trong giá điện và cái khó của EVN cũng như ngành điện là làm sao thu hút được vốn thương mại và sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, do vậy, tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Đồng thời với việc tiết kiệm điện, muốn huy động các nguồn mới đầu tư vào hạ tầng điện lực, cần áp dụng một số chính sách mới xoay quanh 3 trụ cột: phát động một chương trình được xây dựng kỹ lưỡng về phát triển các nhà máy phát điện độc lập theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để qua đó xây dựng lòng tin đối với nhà đầu tư tư nhân; chuẩn bị cho EVN và các công ty thành viên đạt tiêu chuẩn vay vốn doanh nghiệp; thực hiện một chương trình nâng cao khả năng cấp vốn bằng đồng nội tệ và tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước.

Hiện đã có một số dự án đầu tư trong ngành điện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án này vẫn còn chậm. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Việt Nam đã thu hút thành công các dự án BOT điện khí và điện than từ các nhà đầu tư quốc tế. Gần đây, Việt Nam đã cập nhật và cải thiện khung đối tác PPP, nhưng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Chính phủ và các nhà đầu tư còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phân bổ rủi ro trong các dự án PPP và BOT.

Điều đó đã làm chậm quá trình xây dựng dự án. Do chưa có khung PPP chuẩn hóa, nên thu hút vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn nước ngoài.

Tin bài liên quan