Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Sáng 2/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Thương mại Nhật Bản (JETRO) và JICA tổ chức hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa- kinh nghiệm từ Nhật Bản”.
Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ trọng rất lớn, tới hơn 97% và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; nhất là trong tạo việc làm, ổn định xã hội. Tuy vậy, DNNVV của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển cũng như bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cần phân chia DNNVV thành nhiều nhóm doanh nghiệp có quy mô khác nhau để có những thiết kế chính sách phù hợp nhất với từng loại hình  và quy mô doanh nghiệp, từ đó có những hỗ trợ đạt được kết quả như mong muốn.

Trong bối cảnh này, để hỗ trợ một cách hiệu quả các DNNVV và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang soạn thảo và hoàn thiện, tiến tới trình Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, mục đích nhằm tạo tiền đề hỗ trợ DNNVV theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và hỗ trợ khu vực DNNVV tại Nhật Bản, ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh nước ngoài - Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kinh tế và Thương mại Nhật Bản) cho biết,  99,7% doanh nghiệp hoạt động tại Nhật Bản là DNNVV. Khu vực DN này cũng chiếm tới 70% tổng lao động làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản.

DNNVV đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sự phát triển ngành công nghiệp Nhật Bản. Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực này, nên Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách hỗ trợ DNNVV từ rất sớm.

Cụ thể, năm 1948, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cục DNNVV; năm 1963 ban hành Luật Cơ bản về DNNVV và tiếp tục tiến hành sửa đổi toàn diện Luật cơ bản về DNNVV vào các năm 1999, 2013.

Ông Arai nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng về số lượng và vai trò của khu DNNVV, do đó Nhật Bản rất mong muốn có thể chia sẻ các kinh nghiệm hỗ trợ phát triển khu vực này của Nhật Bản để cùng Việt Nam tạo dựng khung chính sách. Đồng thời, xây dựng các hoạt động hỗ trợ, phát triển khu vực DNNVV phát triển một cách hiệu quả nhất, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Theo ông Hikaru Fukanuma, chuyên gia kinh tế chính thuộc Viện Nghiên cứu chính sách tổng hợp (Công ty Tài chính Nhật Bản), việc xây dựng  và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước tiến chính sách lớn đối với khu vực DNNVV Việt Nam.

DNNVV có số lượng rất lớn, song lại có quy mô nhỏ, khó khăn về vốn, công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng cũng không dễ dàng. Vì vậy, ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết. Song các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, cần phân chia DNNVV thành nhiều nhóm doanh nghiệp có quy mô khác nhau để có những thiết kế chính sách phù hợp nhất với từng loại hình  và quy mô doanh nghiệp, từ đó có những hỗ trợ đạt được kết quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, ông Hikaru cũng khuyến nghị, trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ, Việt Nam nên chú ý xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV để giúp các doanh nghiệp này điều kiện phát triển và hoạt động hiệu quả.

Tin bài liên quan