Với số dư nợ công 2.608.000 tỷ đồng cuối năm 2015, tương đương 62,2% GDP, mỗi người dân Việt Nam đang phải “gánh” khoảng 29 triệu đồng nợ công

Với số dư nợ công 2.608.000 tỷ đồng cuối năm 2015, tương đương 62,2% GDP, mỗi người dân Việt Nam đang phải “gánh” khoảng 29 triệu đồng nợ công

“Chuông” nợ công lại điểm

(ĐTCK) Tuần qua, vấn đề nợ công và áp lực trả nợ công nóng trở lại khi nhiều thông tin cho thấy, một nguồn lực lớn của Nhà nước sẽ phải sử dụng để ứng phó với vấn đề này.

Áp lực căng thẳng

Theo các số liệu công bố, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng nợ công bình quân ở mức 16,7%/năm. Đến cuối năm 2015, số dư nợ công là 2.608.000 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393.000 tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, gần chạm mức giới hạn 65%/GDP mà Quốc hội cho phép.

Tại phiên đối thoại cấp cao về cải cách chi tiêu công của Nhóm đối tác tài chính công, thực hiện bởi Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới gần đây, một con số đáng chú ý được công bố là chi trả lãi đang chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cảnh báo, Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay và có giải pháp quyết liệt để ứng xử sớm với những rủi ro có thể nảy sinh.

Nhìn ra khu vực, số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, năm 2001, tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP của Việt Nam thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Phillipines, nhưng những năm gần đây đã cao hơn phần lớn các quốc gia này. Trong khi đó, hầu hết các nước đều chủ động giảm dần mức dư nợ Chính phủ. 

Ứng xử chính sách và lượng hóa tác động tới doanh nghiệp

Trao đổi với báo chí tuần qua, ông Đặng QuyếtTiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính (Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công) cho biết, Việt Nam có thể đàm phán để các chủ nợ hỗ trợ xóa nợ, cho vay đảo nợ, hoặc các chủ nợ này có thể mua lại nợ. Trường hợp xấu nhất là bán tài sản (phần vốn của các doanh nghiệp mà Nhà nước đang là chủ sở hữu) để trả nợ.

Bên cạnh những phải pháp trực tiếp như vậy, nhiều giải pháp gián tiếp đã và đang được thực hiện quyết liệt. Trong đó, đáng chú ý là việc siết chặt thu ngân sách, tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành quy định về thuế, đôn đốc công tác thu nợ, tăng thu nội địa để bù đắp giảm thu ngân sách từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu.

Tới đây, các cơ quan quản lý có thể tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài để ban hành các chính sách thu nội địa khác như thuế tài sản/thuế bất động sản để giảm sự phụ thuộc của ngân sách nhà nước vào nguồn thu từ dầu. Chẳng hạn, thu tiền sử dụng đất áp với các dự án bất động sản mới triển khai sẽ ở mức rất chặt với lợi nhuận dự toán. Nếu doanh nghiệp không tính toán và lường kỹ các kịch bản xảy ra trong trường hợp thị trường không thuận lợi, thì rất dễ dẫn tới rủi ro và sa vào nợ xấu ngân hàng (đa phần các chủ dự án bất động sản vay ngân hàng để nộp tiền sử dụng đất trước khi có thể huy động vốn qua bán nhà).

Ngoài ra, Nhà nước sẽ không hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cắt giảm thuế, mà sẽ chuyển sang hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí trong việc tuân thủ chính sách thuế.

Một giải pháp dự kiến có tác động mạnh đến doanh nghiệp là Nhà nước sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc này nhằm hỗ trợ xu hướng giảm của đầu tư công do thu ngân sách giảm, đồng thời chia sẻ gánh nặng về vốn và rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư, nâng cao tính hiệu quả và chất lượng của các dự án đầu tư.

Một giải pháp khác được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong các văn bản chỉ đạo gần đây là giảm lãi suất trên thị trường vốn trong nước, đồng thời nâng cao tín nhiệm quốc gia trên thị trường vốn quốc tế. Làm được điều này, Việt Nam mới có điều kiện thuận lợi cho việc cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng tăng kỳ hạn và giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ, góp phần tăng tính an toàn và bền vững nợ công.

Tin bài liên quan