Phát biểu tại một hội thảo kinh tế được tổ chức tại TP. HCM mới đây, ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các hiệp định thương mại (FTA) chúng ta ký kết với các nước tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cơ hội tận dụng từ các FTA đối với doanh nghiệp trong nước rất thấp.
Khảo sát của VCCI cho thấy, các lô hàng Việt xuất đi các nước mà Việt Nam có ký FTA, quốc gia mà Việt Nam được hưởng thuế quan nhiều nhất (mức 80%) là Hàn Quốc, dựa trên tổng số lô hàng mà doanh nghiệp xuất sang thị trường này. Còn các thị trường còn lại chỉ khoảng 20 - 40%.
"Như vậy, so với những cam kết trên giấy tờ, tỷ lệ chúng ta thực sự hưởng lợi từ các hiệp định thương mại rất thấp", ông Liêm nhận định.
Theo ông Liêm: "Nói là doanh nghiệp ra biển lớn nhưng có một thực tế là chúng ta đang bị xâm lấn, đang bị thua thiệt ngay tại thị trường trong nước. Vì thực tế, chính sách của chúng ta đâu đó vẫn còn có sự phân biệt rất khó hiểu và dường như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn được ưu ái hơn trong khi trên 97% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa. Thế nên tổn thương từ hội nhập của doanh nghiệp Việt rất lớn".
Nhìn nhận những lực cản của doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Vietravel cũng cho rằng, quy định như một số Luật hiện nay không ổn.
Vietravel là công ty duy nhất ở Việt Nam đã mở 7 văn phòng nước ngoài tuy nhiên để mở được cũng vô cùng khó khăn.
Cụ thể, muốn sang mở ở Thái Lan thì phải có 51% người Thái làm việc, đưa 1 người nước ngoài sang phải có 3 người Thái Lan làm việc và lương không dưới 970 USD/người/tháng dù có làm hay không. Trong khi, quy định các nước sang Việt Nam mở rất dễ.
"Hay Luật hàng không, Vietravel đứng đầu Việt Nam về Charter Flight- chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành bay đi nước ngoài và bay về Việt Nam. Mỗi năm bay khoảng 400 chuyến, nhưng hôm khánh thành sân bay quốc tế Vinh, yêu cầu Vietravel bay 1 chuyến để khánh thành cho tỉnh sang Bangkok, nhưng chở sang thì được lấy khách bay về Thái Lan không cho".
Trong khi các chuyến bay từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản bay sang Việt Nam Chapter chở khách sang Việt Nam rồi lấy khách Việt Nam bay sang bên đó thì chúng ta lại cho thoải mái.
“Hình như chúng ta bị một bộ phận tiếng ồn quá nặng nên tai không nghe thấy, kêu rất nhiều nhưng không ai giải quyết”, ông Kỳ nói và cho rằng, một doanh nghiệp lớn như Vietravel với hơn 60 văn phòng đại diện tại 38 tỉnh thành, 7 văn phòng ở nước ngoài mà còn vất vả như vậy thì các doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ hơn phải làm sao?
Cho đến thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, có thể điện thoại đến 9 đầu mối hoặc liên hệ trực tiếp với tôi.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM
Không chỉ nêu những bất cập về chính sách, CEO Vietravel cũng cho rằng, doanh nghiệp còn rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam hoạt động ngày càng tốt, có nhiều sự đổi mới và duy trì độ ổn định cao nhưng tỷ lệ cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ 22%. Các doanh nghiệp này phải cầm cố tài sản..., mới đủ điều kiện cấp vốn. Nhưng có tới 68% là doanh nghiệp siêu nhỏ thì tài sản đâu mà cầm cố?
Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nói rằng, thanh khoản hiện nay của hệ thống nhà băng khá dồi dào với tỷ lệ 75% vốn vẫn dành cho sản xuất kinh doanh, 11% dành cho lĩnh vực bất động sản và 14% dành cho lĩnh vực tiêu dùng.
Hệ thống ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện, mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp, kể cả vừa và nhỏ. Đối với doanh nghiệp nhỏ, nếu đảm bảo phương án tài chính kinh doanh rõ ràng thì ngân hàng vẫn cho vay, thế chấp từ dòng tiền bán hàng, từ nguồn thu của doanh nghiệp.
"Cho đến thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, có thể điện thoại đến 9 đầu mối hoặc liên hệ trực tiếp với tôi”, ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, ngân hàng là một ngành cho vay có điều kiện nên sẽ khó tham gia cho vay đối với các công ty khởi nghiệp do không có tài sản đảm bảo.
Trước những thắc mắc về gỡ vướng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM chia sẻ, năm 2019, TP. HCM đặt là năm cải cách đột phá về hành chính.
Ngay từ đầu 2019, Thành phố đã đưa ra kế hoạch chi tiết yêu cầu các bộ ngành có kế hoạch giải quyết các hồ sơ công việc trong thời gian nhất định. Hiện thủ tục đăng ký kinh doanh đạt tỷ lệ đăng ký qua online 80%, mức độ 3 và mức độ 4 đều đạt tỷ lệ trên 30% cho mỗi loại hình như vậy...
Đặc biệt, trong vấn đề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan này đã thực hiện mô hình “3 trong 1” và “4 trong 1” của doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã đăng ký cam kết với VCCI giảm 30 - 40% tùy theo loại thủ tục, số ngày đăng ký theo quy định 15 ngày nhưng chúng tôi giảm xuống 7 - 8 ngày, cam kết đột phá thủ tục, giảm số lượng ngày ngắn hơn để nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư vào thành phố nhanh nhất”, bà Mai nói.
Chia sẻ với ý kiến của bà Mai, ông Liêm nhìn nhận, chính những thay đổi môi trường kinh doanh và thể chế pháp lý tạo cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế thực sự và bền vững chứ không phải những hiệp định thương mại như FTA…
Với riêng TP.HCM, UBND TP đã giao 9 đầu mối tiếp cận, giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn TP gồm NHNN TP.HCM, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, UBND 24 quận huyện, Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hepza, Ban quản lý khu công nghệ cao, Ban quản lý khu phần mềm Quang Trung, các hợp tác xã. |