Ông Lê Hoàng Anh cho biết có chuyện doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở trong quy định cho vay hỗ trợ lãi suất.

Ông Lê Hoàng Anh cho biết có chuyện doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở trong quy định cho vay hỗ trợ lãi suất.

“Chưa phát hiện vốn kích cầu vào chứng khoán, bất động sản”

Việc quyết định có, hay không gói kích cầu thứ hai, một lần nữa, lại phải lùi đến cuối tháng 10/2009.

Bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình trước kỳ họp Chính phủ vừa rồi cũng chưa thể hiện rõ ràng quan điểm ủng hộ hay không gói kích cầu thứ hai, liên quan đến kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay dùng làm vốn lưu động.  

Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Lê Hoàng Anh, nói:

 

Gói hỗ trợ lãi suất 4% đã thực hiện khoảng 2/3 rồi. Cũng có ý kiến đưa ra rằng, đã đến lúc bớt kích cầu chưa? Về vấn đề này, đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều nhau.

 

TIN LIÊN QUAN

* TTCK ngóng gói kích cầu thứ hai

* Kiến nghị giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

* Đề nghị dừng đúng hạn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn

* Cuối tháng 10 sẽ quyết định gói kích cầu thứ hai

* Sắp trình Chính phủ kế hoạch “hậu” kích cầu

* Gói kích cầu thứ hai giúp doanh nghiệp đỡ “sốc”

* “Việc đưa ra gói kích cầu thứ hai là không cấp thiết”

* “Cần bước đệm để kinh tế hạ cánh mềm”

Có một thực tế hiện nay là, khi bản thân doanh nghiệp đã kém, kích thêm một tí cũng khó có thể tự vươn lên được; nếu kéo dài hỗ trợ sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại vào các hỗ trợ của Nhà nước, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.          

 

Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp ấy tương đối lớn, bây giờ mà sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, lực lượng lao động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, thì cũng có chuyện.

 

Thưa ông, giữa Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức tư vấn, dường như chưa có sự thống nhất về quan điểm đối với gói kích cầu thứ hai này?

 

Chính phủ chưa có ý kiến cuối cùng. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho các bộ, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiếp theo.

 

Bây giờ đang có nhiều ý kiến cho rằng gói kích cầu ngắn hạn nên chỉ đến 31/12/2009, không nên kéo dài thêm nữa. Còn gói trung và dài hạn có thể tiếp tục nốt, cho hết nguồn 17 nghìn tỷ đồng. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu dừng lại đột ngột thì rất có thể những thành quả đạt được cho đến lúc đó lại “xôi hỏng, bỏng không”. Vì vậy, cần có bước hạ từ từ để doanh nghiệp thích ứng dần.    

 

Có chuyện “kích” không trúng?

 

Liệu luồng tiền ấy có đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản…? Và nếu có đổ vào thì có thể đánh giá là bao nhiêu không, thưa ông?

 

Thực ra, chưa ai đưa ra được là luồng tiền vay được hỗ trợ lãi suất có đổ vào thị trường chứng khoán hay bất động sản hay không. Bởi lẽ, các quy định cho vay rất chặt chẽ, doanh nghiệp đi vay đã được ngân hàng rà soát thủ tục chi tiết.

 

Cũng có ý kiến nói rằng nơi này, nơi kia có hiện tượng tranh thủ vay được tiền rồi đưa vào chứng khoán hoặc bất động sản… Nhưng đến nay, chưa có cơ quan thanh tra hay kiểm soát nào phát hiện cụ thể sự việc này.

 

Báo cáo của Bộ có nói rằng, doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng với lãi suất cao, rồi đi vay hỗ trợ lãi suất để hưởng chênh lệch?

 

Có chuyện doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở trong quy định. Doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Quyết định 131, họ làm thủ tục đầy đủ thì ngân hàng không được từ chối cho vay.

 

Nhưng đằng sau đấy, họ vẫn có đồng tiền kết dư, vốn tự có chẳng hạn, thì họ vẫn gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Thậm chí, vay về mới dùng một phần, họ vẫn đem gửi ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất.

 

Cũng có doanh nghiệp lập phương án sản xuất kinh doanh, hoặc dự án đầu tư dài hơn so với thời hạn cần sản xuất kinh doanh, hoặc thời hạn hoàn vốn để được hưởng hỗ trợ lãi suất nhiều hơn.

 

Ngân sách sẽ không thâm hụt nhiều

 

Báo cáo của Bộ có nói, việc miễn, giãn, giảm thuế không ảnh hướng lắm đến nguồn thu ngân sách. Cụ thể là thế nào, ông có thế cho biết?

 

Số thuế thu nhập cá nhân đã miễn trong 6 tháng đầu năm 2009 khoảng hơn 4 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 7/2009 chỉ giảm, giãn thời hạn nộp đối với các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, trị giá gia tăng, lệ phí trước bạ.

 

Thực ra, việc giảm, giãn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân dành nguồn vốn đầu tư trở lại vào sản xuất, kinh doanh, chứ không phải không nộp nữa. Con số này sẽ tiếp tục thu được trong năm sau.

 

Riêng việc giảm, giãn thời gian nộp thuế trị giá gia tăng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước do tính chất liên hoàn của loại thuế này. Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là thuế giá trị gia tăng đầu vào của khâu nội địa, được kê khai, khấu trừ vào số thuế giá trị gia tăng đầu ra của hàng hóa tiêu thụ trong nước khi xác định số thuế phải nộp.

 

Tức là bội chi chủ yếu do chi nhiều chứ không phải do thu giảm đi?

 

Năm ngoái, do tình hình suy giảm kinh tế thế giới và cả trong nước cùng với giá dầu thô cuối năm xuống quá thấp, Chính phủ đã trình Quốc hội là, với giá dầu thô bình quân 50 USD/thùng thì số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khá mạnh. Trong khi kế hoạch chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua.

 

Sau nhiều lần bàn bạc, Quốc hội quyết định không điều chỉnh kế hoạch chi ngân sách nhà nước đã giao. Số thiếu hụt thu ngân sách do suy giảm kinh tế và giá dầu thô giảm sẽ được bù đắp bằng tăng bội chi ngân sách từ 5% lên dưới 7%.         

 

Thế nhưng, thực tế giá dầu năm nay cũng không giảm nhiều lắm. Có thể thu từ dầu thô cân bằng với cách tích hồi đầu năm, hoặc thấp hơn một ít, thu xuất nhập khẩu thấp hơn một ít. Nhưng rất may, thu nội địa tăng và vượt mức dự toán đầu năm. Nguồn thu ấy đảm bảo là ngân sách nhà nước không thâm hụt vượt quá xa 5% trong năm nay.

 

Vậy, thâm hụt ngân sách thực tế trong năm nay chỉ khoảng 5%?

 

Mức thâm hụt dưới 7% Quốc hội đã cho phép rồi. Đến nay kinh tế thế giới phục hồi chưa phải là mạnh mẽ. Các yếu tố kinh tế trong nước chưa phải là tốt hết. Sang năm có thể là tốt hơn năm nay, nhưng không phải là đã bình thường như trước lúc có suy giảm kinh tế.

 

Vì thế, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho dùng khoản tiền bội chi tăng thêm ấy để chuyển các khoản tạm ứng thành cấp phát, để giảm bớt áp lực lên ngân sách năm 2010. Còn sang năm, bội chi dự kiến ban đầu là 7% thì rút xuống còn 6,5%.

 

Không thể cái gì cũng tốt cả!

 

Gần đây có ý kiến rằng, cung tiền lớn từ chính sách kích cầu có thể gây ra những rủi ro vĩ mô, đặc biệt là lạm phát?

 

Vấn đề này, Chính phủ cũng đã rất quan tâm. Ngay từ khi đưa ra các gói kích cầu, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp và liên tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện. Có thể thấy là cho đến nay, các chính sách đưa ra đều đã đi vào cuộc sống, phát huy được tác dụng. Mặc dù có thể còn có sai sót ở điểm này, điểm khác, nhưng đó không phải là sai sót lớn.

 

Cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 2 tăng hơn quý 1, quý 3 tăng hơn quý 2. Tỷ lệ lạm phát được giữ ở mức hợp lý. Mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng luôn được giữ ở mức hài hòa.

 

Như vậy, vấn đề bây giờ chỉ là thực hiện tốt các chính sách và giải pháp thì sẽ hạn chế được những rủi ro có thể có.

 

Chính phủ đã chuẩn bị những phương án nào để kiểm soát lạm phát?

 

Ngay từ đầu năm Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp để chống tái lạm phát.

 

Thứ nhất, khi đưa ra gói hỗ trợ lãi suất, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai ngay và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, người sản xuất tận dụng được mọi cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, khắc phục các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực.

 

Thứ hai, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh việc giải ngân các sự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn trái phiều chính phủ. Đặc biệt, các nguồn vốn kích cầu phải cố gắng hoàn thành trong 2009 và 2010.

 

Thứ ba, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thận trong, nhưng phải bảo đảm linh hoạt. Kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán trong khoảng 23-25%; giữ mức tăng dư nợ tín dụng khoảng 25-27%, giữ lãi suất cơ bản như  hiện hành (7,5%); kiểm soát chặt mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam

 

Nhưng Ngân hàng Nhà nước đã từng công bố dư nợ tín dụng có thể tăng tới 30% trong năm nay?

 

Cũng tùy mức độ cụ thể. Tức là có thể đưa ra mức dự nợ tín dụng nền kinh tế đến 30%, nhưng phải cộng với điều kiện tăng trưởng 6,5-7%, và giá cả chỉ 7-9%. Cả ba cái ấy đi đồng bộ với nhau thì là lựa chọn tốt.

 

Tài khóa, tiền tệ cần phối hợp nhịp nhàng

 

Có ý kiến cho rằng giảm kích cầu thì hệ thống tài chính có thể phải chịu rủi ro nợ quá hạn lớn hơn. Kịch bản này có thể xảy ra không?

 

Cho đến nay thì chưa xảy ra hiện tượng này. Hiện tại, có thể nói rằng hệ thống ngân hàng đang thích ứng tốt hơn với tình hình và đang hoạt động tốt hơn cuối năm 2008.

 

Sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nên như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

 

Chính sách tài khóa phải tiếp tục duy trì chi tiêu hợp lý của Chính phủ để kích thích tăng trưởng và chống suy giảm kinh tế trong khi nền kinh tế còn chưa phục hồi hoàn toàn, như tạm ứng, bội chi…

 

Để việc vay tạm ứng ngân sách không làm ảnh hưởng đến quá trình điều hành khối lượng tiền cung ứng, cũng cần có kế hoạch phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý của Chính phủ.

 

Về chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện theo hướng nới lỏng, thận trọng và chủ động; sử dụng linh hoạt và có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường; điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; củng cố và lành mạnh hóa hệ thông các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính. Lãi suất, đặc biệt là lãi suất trái phiếu chính phủ, cần phải trở thành công cụ hữu hiệu để điều hành cung ứng tiền tệ và có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển.

 

Đồng thời cũng cần tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong việc thực thi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.