Ông Nguyễn Thành Phong

Ông Nguyễn Thành Phong

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Xử lý ngập lụt ở TP.HCM phải có… lộ trình

TP.HCM đang phải “cõng” trên lưng 13 triệu người, trong khi hạ tầng quy hoạch chỉ đảm bảo cho 10 triệu người vào năm 2025, nên tình trạng ngập quanh năm còn kéo dài.

Còn lâu nữa, TP.HCM mới hết ngập

Lần đầu tiên được mời tham gia chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời các đại biểu Quốc hội về nguyên nhân gây ra ngập lụt trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho hay, ngập lụt trên địa bàn càng ngày càng nặng do 6 nguyên nhân.

"Thứ nhất, là do thủy triều dâng nước lên làm ngập lụt, mà nước biển dâng thì lại do biến đổi khí hậu; thứ hai là do nước ở trên thượng nguồn đổ xuống.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến ngập lụt trên địa bàn là… trời mưa, mà (chẳng hiểu sao) mưa càng ngày càng nhiều; thứ tư, ngập là do đất ở khu vực TP.HCM ngày càng bị lún; thứ năm, ngập là do ý thức của người dân; thứ sáu ngập mới là do quản lý nhà nước”, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đã liệt kê 6 nguyên nhân dẫn đến ngập lụt tại Phiên chất vấn về công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị sáng nay tại Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bản thân tôi và lãnh đạo UBND đã trực tiếp kiểm tra các điểm ngập nước trên địa bàn nên có thể khẳng định, chúng ta đã có nhiều giải pháp, nỗ lực xử lý chống ngập, nhưng chưa đạt hiệu quả, cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do ý thức người dân chưa cao nên xả rác bừa bãi làm bịt mất dòng chảy

Vì vậy, theo ông Nguyễn Thành Phong phải có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ trên cơ sở phân tích đầy đủ 6 nguyên nhân gây ngập.

Ông Phong cho biết, hiện TP.HCM đã triển khai một số dự án, công trình chống ngập. Như dự án chống ngập do nước biển dâng, TP.HCM sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thông qua dự án này, nhưng dự án này chỉ giải quyết được một phần nước ngập.

Để giải quyết tình trạng người dân nhiều khu vực ở địa bàn kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước phải sống chung với ngập lụt quanh năm, ông Phong cho biết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như như nâng cao năng lực quản lý, nâng cao ý thức người, xây dựng một số hồ điều tiết…

“Bản thân tôi và lãnh đạo UBND đã trực tiếp kiểm tra các điểm ngập nước trên địa bàn nên có thể khẳng định, chúng ta đã có nhiều giải pháp, nỗ lực xử lý chống ngập, nhưng chưa đạt hiệu quả, cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do ý thức người dân chưa cao nên xả rác bừa bãi làm bịt mất dòng chảy, khi nước biển dâng, triều cường, trời mưa hay nước trên thượng nguồn đổ xuống rất khó khăn trong việc tiêu nước”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, cũng như vấn đề ùn tắc giao thông, xử lý ngập lụt ở TP.HCM phải có… lộ trình, không thể xử lý triệt để trong thời gian ngắn.

“Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng giải pháp trước mắt và quan trọng nhất là nâng cao ý thức người dân, làm sao để người dân đừng làm tắc dòng chảy qua việc vất rác thải bừa bãi”, ông Phong nêu giải pháp.

6 nguyên nhân gây ra ngập lụt, chưa đủ

Không bình luận về số nguyên nhân gây ngập mà người đứng đầu chính quyền TP.HCM nêu ra đã đủ chưa, nhưng ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội Ninh Bình) nêu thực trạng, cả quốc lộ, tỉnh lộ lẫn đường phố, đường đô thị cứ mỗi lần cải tạo, nâng cấp thì nhà dân lại… lún xuống khiến nhà thấp hơn đường do đường được nâng cao thêm, nên… gì mà nước chẳng chảy vào nhà người dân cũng như cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Bắc Việt dẫn chứng hàng loạt điều khoản trong Luật Xây dựng năm 2014 quy định rõ trách nhiệm cũng như các điều cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động xây dựng, trong đó có việc xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân khác.

“Nếu xử lý vi phạm nghiêm theo Luật Xây dựng năm 2014 thì chắc không còn tình trạng cứ mỗi lần cải tạo, nâng cấp quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị thì nhà dân lại bị thấp xuống, thấp hơn cả mét so với mặt đường, thấp như cái hầm thì cứ mưa xuống là ngập chẳng cần phải triều cường, nước biển dâng hay nước từ thượng nguồn đổ về”, ông Việc phát biểu.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến ngập lụt trên địa bàn TP.HCM là cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật của đô thị này đã quá tải do tốc độ tăng dân số chóng mặt.

Theo quy hoạch thì đến năm 2025, TP.HCM mới có quy mô 10 triệu người. Tức là từ nay cho tới năm 2025, TP.HCM tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của 10 triệu người.

Thế nhưng, hiện tại TP.HCM đang phải “cõng” trên lưng 13 triệu người, trong khi đó theo con số thống kê chính thức thì dân số TP.HCM mới có 8,4 triệu người (những người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn).

“Tỷ suất sinh ở TP.HCM rất thấp, bình quân chỉ có 1,46 con/phụ nữ, nhưng dân số tăng cơ học vô cùng lớn, mỗi năm có thêm ít nhất 130.000 người từ các địa phương khác đổ về Thành phố để mưu sinh, dân số bị “nén” chặt vào nội đô đã dẫn tới ô nhiễm, ùn tắc giao thông, ngập lụt vì kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật không thể nào đáp ứng nổi”, ông Nguyễn Thành Phong phát biểu.

Tin bài liên quan