Ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Chủ động kết nối sáng kiến kinh tế trong khu vực

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra từ ngày 12 - 17/8 tại Hà Nội, ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam cần chủ động, tích cực tham gia những sáng kiến kinh tế trong khu vực để đảm bảo an ninh và phát triển.

Với cương vị là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ vừa qua, ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam?

Hoa Kỳ là đối tác đầu tư thương mại rất quan trọng của khu vực và Việt Nam. Hoa Kỳ đang đứng thứ 9 trong các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nhưng đặc điểm của Hoa Kỳ khác so với các nước khác. 

Hoa Kỳ đầu tư đã tạo ra sự kích thích mới cho quan hệ trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước nói chung, tạo động lực cho các nguồn đầu tư, các nguồn lực của công ty xuyên quốc gia của Hoa Kỳ và thậm chí cả các nước khác đầu tư vào Việt Nam. Khi Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, thì niềm tin của các doanh nghiệp vào thị trường Việt Nam sẽ cao hơn.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt được đặc thù trên, phổ biến môi trường, chính sách, luật pháp về đầu tư, về môi trường của Việt Nam là hấp dẫn, tương đồng với luật lệ và quy định của quốc tế, nhất là WTO.

Việc chúng ta mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, song phương, đa phương đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tôi có nhiều dịp trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, họ đang tiếp tục có sự quan tâm và hưng phấn rất lớn khi đầu tư vào Việt Nam. Họ coi Việt Nam là môi trường đầu tư vừa hấp dẫn, vừa ổn định, có chiều hướng ngày càng tăng, có vai trò nhân rộng ra khu vực. Chúng ta cần tiếp tục đà này.

Những lĩnh vực nào của Việt Nam được các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm, thưa ông?

Đối với Hoa Kỳ, chúng ta phải nhìn lại 20 năm qua. Cùng với việc bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1994 - 1995, những công ty lớn của Hoa Kỳ như CocaCola, Intel đã vào Việt Nam. Họ nói với chúng tôi rằng, họ không chỉ ở đây, mà sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài, mở rộng.

Chúng ta có tương tác, giao lưu ngày càng nhiều hơn, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các địa phương. Về phía Việt Nam, chúng ta tranh thủ học hỏi khoa học - công nghệ, quản lý thành phố thông minh, xây dựng nông nghiệp thông minh, chế tạo…, qua đó làm tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm của chúng ta, tạo đà mới trong chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị thế giới.

Về phía Hoa Kỳ, họ có lợi thế so sánh về khoa học - công nghệ và năng lực về vốn, nên tranh thủ đầu tư vào. Dầu khí, công nghiệp hàng không hay năng lượng tái tạo… đều là những ngành họ đang đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, hai nền kinh tế có sự bổ trợ lẫn nhau.

Mới đây, Hoa Kỳ đã công bố sáng kiến Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông đánh giá thế nào về sáng kiến này và cơ hội của Việt Nam trong sáng kiến này?

Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương mở rộng và tự do, là một sáng kiến bao trùm.

Thứ nhất là không gian chính trị và tham mưu được mở rộng để tạo sự hợp tác nhiều hơn giữa các nước.

Thứ hai là bảo đảm môi trường an ninh, bao gồm cả an ninh an toàn hàng hải, trong đó là không có sự áp đặt, tôn trọng chủ quyền và cùng có lợi.

Thứ ba là về kinh tế, tạo ra sự kết nối, tăng cường giao lưu thương mại.

Đây là sáng kiến mới đưa ra và các nước đang trao đổi, kiến nghị. Trong khu vực cũng có nhiều sáng kiến khác, nên nếu những sáng kiến như vậy song trùng với lợi ích của các nước, tăng cường sự bảo đảm an ninh cũng như môi trường phát triển, đồng thời tôn trọng những thể chế đã có, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN thì chúng ta nên tích cực tham gia và hướng vào những điểm đó.

Dù đây là sáng kiến của Hoa Kỳ, nhưng trong khu vực cũng có những sáng kiến khác của Nhật Bản, Australia, Trung Quốc… vì vậy, chúng ta cần kết nối những sáng kiến đó.

Chúng ta có bề dày trong ngoại giao đa phương trong những thập kỷ gần đây và từng bước tham gia không chỉ tích cực, chủ động hơn, mà tham gia định hình, xây dựng những luật lệ, quy tắc ứng xử trên thế giới và khu vực.

Đồng thời, chúng ta có thể thấy quan hệ của các nước điều chỉnh cũng đang tác động không nhỏ đến sự điều chỉnh luật chơi, phương thức hoạt động của các cơ chế đa phương, như xu hướng coi trọng hướng nội nhiều hơn, coi trọng biệt lập, bảo hộ.

Trong tình hình đó, chúng ta cần chủ động hội nhập, tích cực hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm ngoại giao đa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ tích cực tham gia, mà còn phải chủ động tham gia kiến tạo những quy tắc phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia, bảo đảm hài hòa lợi ích. Tham gia ngoại giao đa phương sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo động lực làm sâu sắc hơn quan hệ của chúng ta với các đối tác.

Tin bài liên quan