Trong các “nghi án” chuyển giá, từng có một loạt “ông lớn” nước ngoài, trong đó có Metro. Ảnh: Chí Cường

Trong các “nghi án” chuyển giá, từng có một loạt “ông lớn” nước ngoài, trong đó có Metro. Ảnh: Chí Cường

Chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư

Rất có thể, việc giám định lại tài sản đầu tư sẽ được áp dụng trong thời gian tới, để chống chuyển giá.

Đau đầu vì lỗ giả - lãi thật

Một lần nữa, chuyện lỗ giả - lãi thật, chuyện doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển giá lại “nóng” lên, sau khi có những tranh luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần trước.

Mọi chuyện bắt đầu khi ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ chuyện doanh nghiệp FDI chuyển giá. Bởi lẽ, theo báo cáo của Chính phủ, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất tốt, doanh thu tăng 28%, tài sản tăng 22%, nhưng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế, lỗ mất vốn tăng rất cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thu từ khu vực này chỉ đạt 83,6% dự toán trong năm qua.

Trả lời câu hỏi này, mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hụt thu một phần từ nguyên nhân dự toán quá cao, song cũng thừa nhận tính “nghiêm trọng” của tình trạng chuyển giá.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp và đã xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng, thu vào ngân sách nhà nước 19.000 tỷ đồng.

Song theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc thanh tra, kiểm tra thuế mới chỉ ở một khâu là sản xuất, trong khi khâu đầu tư thì chưa biết.

“Chúng tôi rất băn khoăn, phải làm rõ từ khâu cấp phép đánh giá, định giá tài sản, bởi có thể có chuyển giá từ khâu đầu tư”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Ông Dũng cũng nhắc đến câu chuyện các doanh nghiệp có thể khai vống số tiền đầu tư, sau này thực hiện việc chuyển giá từ quá trình khấu hao tài sản.

Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, chuyển giá là một câu chuyện rất dài, chứ không phải bây giờ mới có. Chuyện chuyển giá, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng xảy ra ở hai khâu, là khâu đầu tư ban đầu và khâu sản xuất - kinh doanh.

“Đúng là có chuyện lỗ giả - lãi thật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chuyện lỗ giả - lãi thật, chuyện doanh nghiệp chuyển giá đúng là đã được nhắc tới lâu nay. Hàng loạt “ông lớn” nước ngoài đã từng được nhắc đến, như Keangnam Vina, Adidas, Metro… Tuy nhiên, trên thực tế, đấu tranh chống chuyển giá là một công tác cam go, mà ngay cả ở các nền kinh tế phát triển cũng gặp nhiều khó khăn. Ở Việt Nam, dù ngành thuế có quyết định xử lý giảm lỗ, truy thu thuế, nhưng việc phán quyết doanh nghiệp đó chuyển giá hay không lại là câu chuyện khác. Phần lớn các doanh nghiệp được cho là có chuyển giá ở Việt Nam vẫn chỉ bị coi là “nghi án”.

Chống chuyển giá từ khâu đầu tư

Nếu đã xác định chuyển giá diễn ra ở cả hai khâu, thì chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư cũng là một việc quan trọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây, pháp luật Việt Nam có điều khoản yêu cầu phải giám định lại tài sản đầu tư, ngay sau khi đầu tư xong để xác định được tài sản chính thức và từ đó mới tính vào khấu hao và tính ra hạch toán thuế cũng như khả năng chịu thuế.

“Khi đó, chúng ta đã thực hiện điều khoản này, nhưng trên thực tế cũng vướng rất nhiều khó khăn. Năm 1992 chúng ta đã thuê một công ty giám định độc lập vào giám định 17 dự án thì cả 17 dự án đều sai phạm, nhưng khi đưa ra xử lý vấn đề về mặt pháp lý, thì vô cùng phức tạp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tuy nhiên, sau đó, Luật Đầu tư đã bỏ điều khoản này, theo hướng “để họ tự giác”, nhưng giờ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Không thể để tự giác được nữa”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua rà soát việc thực thi Luật Đầu tư, đã phát hiện ra kẽ hở, như doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 triệu USD, nhưng khai lên 2 triệu USD, nên toàn bộ phần khấu hao tài sản cố định là nhà đầu tư rút ra được hết, giảm ngay tiền thu nhập chịu thuế. “Hiện tượng này đã xảy ra từ rất lâu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thực tế, cách đây ít năm, dư luận đã xôn xao trước hiện tượng chuyển giá của một ông lớn  sản xuất sợi và dệt vải, là Hualon Corporation, có nhà máy tại tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, Hualon nhập dây chuyền máy móc cũ chỉ có giá 400.000 USD, nhưng khi đưa vào Việt Nam, đã nâng khống lên 16 triệu USD, gấp tới 40 lần giá trị thực. Sau đó, bán dây chuyền này đi với giá rất rẻ, nên trong báo cáo tài chính, xuất hiện khoản lỗ rất lớn.

Cùng với đó, công ty này  liên tục nâng khống giá mua nguyên liệu ở công ty liên kết nước ngoài. Chính vì vậy, sau 20 năm đầu tư tại Việt Nam, Hualon liên tục thua lỗ lớn, với số lỗ lũy kế lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2013, khi vụ việc vỡ lở và Hualon đã bị truy thu thuế trên 78 tỷ đồng.

Vụ việc của Hualon chính là một trong những điển hình chống chuyển giá thành công của Việt Nam. Và ở Hualon, rõ ràng đã có chuyện chuyển giá ngay từ khâu đầu tư. Vì thế, chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư là quan trọng.

“Sắp tới sửa Luật Đầu tư, chúng tôi dự kiến đưa vào lại một điều khoản là trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể có quyền thuê công ty giám định để giám định lại tài sản đã đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Theo Bộ trưởng Dũng, quy định này sẽ tạo ra một cơ chế mở, để trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng giám định chi phí đầu tư thực của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước kết quả đó và phải trả cả chi phí giám định.

“Làm được như thế mới khắc phục được một bước tình trạng chuyển giá ở khâu đầu tư. Còn khâu sản xuất - kinh doanh, Bộ Tài chính đã và đang làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Được biết, ngay sau khi phát biểu như vậy tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa nhắc lại điều này tại cuộc họp với các vụ chuyên ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tin bài liên quan