Với tình hình hiện nay, khả năng thắt chặt tiền tệ sẽ cao hơn và thận trọng hơn so với việc nới lỏng.

Với tình hình hiện nay, khả năng thắt chặt tiền tệ sẽ cao hơn và thận trọng hơn so với việc nới lỏng.

Chính sách tiền tệ: Thắt nhưng không quá chặt!

(ĐTCK-online) Trước những dự báo về khả năng lạm phát trong năm tới, nhiều chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ là khó tránh.

Khác với năm trước, chính sách tiền tệ sẽ không có dấu hiệu quá thắt chặt. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng và kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, nguy cơ tái lạm phát sẽ là mối lo trong năm tới.

Với tình hình hiện nay, ông Lịch cho rằng, khả năng thắt chặt tiền tệ sẽ cao hơn và thận trọng hơn so với việc nới lỏng. Song ông Lịch cũng đưa ra nhận định, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác với năm 2008, bởi kinh tế đang giai đoạn phục hồi và cần đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Trên thực tế, tuy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có một quy định nào cụ thể về việc thắt chặt tiền tệ, nhưng hoạt động của ngành ngân hàng đã bắt đầu xuất hiện trở lực đáng kể từ cuối quý III và đầu quý IV/2009 so với hai quý đầu năm. Có thể những e ngại về lạm phát phát sinh khá sớm, song rút kinh nghiệm của năm 2008 khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng hầu hết đều chuẩn bị tâm lý để đối phó với việc thắt chặt trở lại của chính sách tiền tệ.

Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho rằng, có thể các e ngại về lạm phát đã phần nào bớt căng thẳng, vì điều này được nhận thức khá sớm nên không còn là vấn đề lớn trong năm 2009. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hải, nguy cơ tái lạm phát có thể là vấn đề lớn trong năm 2010 hoặc năm sau đó, nếu như không có thay đổi về chính sách tiền tệ.

Bước sang năm 2010 sẽ là giai đoạn khó khăn mới, nên Chính phủ sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế”, ông Hải nhận định.

Cũng theo ông Hải, chính sách tiền tệ tiếp tục được kiểm soát, nhưng sẽ không có dấu hiệu quá thắt chặt. Bởi cả Chính phủ, DN đều nhận thức được việc đã vượt qua khó khăn, nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự tăng trưởng bền vững. Mọi thứ còn mong manh, do đó cần có thêm gói hỗ trợ lãi suất. Đây là một trong các biện pháp giúp DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hỗ trợ lãi suất chỉ là một trong những giải pháp, do đó cần có thêm sự hỗ trợ khác, chẳng hạn như đầu ra của hàng hóa.

So với năm 2008, hoạt động của ngành ngân hàng hiện đã dễ thở hơn, dù phải siết tín dụng. Chủ tịch HĐQT TrustBank, ông Hoàng Văn Toàn cho biết, điều hành của ngành ngân hàng hiện đã phần nào chủ động hơn. Tuy nhiên, theo ông Toàn, rủi ro lớn nhất trong hoạt động ngân hàng vẫn là rủi ro tín dụng, nhất là trước những ảnh hưởng của khủng hoảng nên phải biết lượng sức mình. Dù có khó khăn khi trần lãi suất được duy trì, nhưng với các lãnh đạo ngân hàng thì không nên nâng lãi suất cơ bản, vì lãi suất cơ bản tăng sẽ tạo thêm áp lực cho DN.

Với chủ trương kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 30% trong năm nay, NHNN cũng đã đưa ra tín hiệu chính sách cho thấy được sự thận trọng của mình trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ từ đầu năm. Tuy NHNN cho phép các ngân hàng thương mại đăng ký tỷ lệ tăng trưởng dư nợ phù hợp với quy mô và khả năng, song các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong cho vay.

Mặt khác, chi phí vốn đầu vào gia tăng, trong khi trần lãi suất đầu ra không thay đổi là lý do buộc các ngân hàng cân nhắc kỹ hơn bài toán phát triển tín dụng.