Chính phủ tăng kích cầu

Chính phủ tăng kích cầu

(ĐTCK) Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014 diễn ra chiều 29/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, để xử lý tình trạng tổng cầu yếu của nền kinh tế, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp.

Giải ngân đầu tư công thấp

Theo đánh giá của Chính phủ, đến tháng 4/2014, tuy tình hình kinh tế vĩ mô có thêm những tín hiệu tích cực, nhưng mức độ chuyển biến chưa cao. Thậm chí, một số chuyên gia nhận định, chưa nhìn thấy những nhân tố giúp nền kinh tế tăng tốc trong thời gian tới.

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,08%, 4 tháng tăng 0,88%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. CPI tăng thấp, theo phân tích của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm...”, ông Nên nói và cho biết thêm, hiện giải ngân đầu tư công thấp, mới đạt 23,5% kế hoạch đề ra.

Để giải quyết tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn FDI, để sớm tăng dần tổng cầu của nền kinh tế, qua đó tạo sức lan tỏa tích cực sang các khu vực kinh tế khác. Tuy nhiên, không phải tăng tổng cầu bằng mọi giá, mà phải thực hiện các giải pháp chặt chẽ và hiệu quả.

 “Việc quản lý, điều hành khi thiếu tiền cũng khổ, nhưng có tiền mà sử dụng không kịp thời, giải ngân không tốt cũng là điều đáng lo…”, ông Nên nói và cho biết thêm, một trong những nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chậm, là do khâu giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án lớn trên cả nước gặp khó khăn. Điều này khiến tiến độ nhiều dự án chậm, trong khi tiền đi vay phải trả lãi suất, nên ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các dự án.

Bởi vậy, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dồn sức khắc phục tình trạng này. Cùng với kết hợp tuyên truyền, giải thích đối với các trường hợp chậm trễ bàn giao mặt bằng, Chính phủ còn yêu cầu chính quyền các địa phương phải giải quyết thỏa đáng yêu cầu của người dân trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các trường hợp cố tình không chấp hành các quy định sẽ bị xử lý nghiêm, để thúc đẩy tiến độ triển khai nhiều dự án trong thời gian tới.

Giải cơn “đói” vốn cho DN

Một vấn đề nóng khác, theo ông Nên, cũng được Chính phủ quan tâm thảo luận để đề ra các giải pháp triển khai quyết liệt trong thời gian tới, là tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho các DN đang gặp nhiều khó khăn. Tuy mặt bằng lãi suất giảm, nhưng trên thực tế rất nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn, nên ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Dư nợ tín dụng vẫn tăng chậm, khi đến nay chỉ tăng khoảng 1%. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát cơ chế, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu…”, ông Nên nói, đồng thời cho biết thêm, ngoài triển khai các giải pháp hỗ trợ DN về cải thiện khả năng tiếp cận vốn, Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai…, để hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh năng động, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

“Cải cách thủ tục hành chính nhiều nơi tiến hành chưa tốt. Thủ tục đăng ký kinh doanh còn lòng vòng, gây phiền hà cho người dân và DN. Cái buồn nhất là người dân, DN khi đi nộp thuế, mà cũng bị thủ tục vướng mắc, chậm trễ, thì những cái khác còn khó cỡ nào...?”, ông Nên đặt câu hỏi và cho biết, Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành chức năng có kế hoạch thanh tra phù hợp, hạn chế việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đảm bảo các hoạt động này minh bạch, tạo thuận lợi cho DN.  Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN.

Tin bài liên quan