Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chính phủ quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK) 10 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 105.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 14,6% về số DN và 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ðó là điểm sáng của bức tranh DN 10 tháng qua, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 10/2017 vừa diễn ra.

Ðiểm sáng trên cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội hiện nay. Ðại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong 10 tháng qua là một kỳ tích, là minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp và niềm tin của giới doanh nhân vào môi trường kinh doanh và sự điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, ý kiến từ nhiều đại biểu Quốc hội, cũng như khi Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa kết thúc, cũng thẳng thắn chỉ ra những mảng màu chưa sáng của bức tranh DN.

Ðó là, ngược dòng với số lượng DN đăng ký “khai sinh” lớn là lượng DN “khai tử” cũng rất cao, do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, trong đó có nguyên nhân mà như Người phát ngôn Chính phủ chỉ thẳng là có nhiều khoản chi phí không chính thức, nên 10 tháng qua, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 9.794 DN, số DN tạm ngừng hoạt động lên tới 52.782 DN, lần lượt tăng 5,4% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cái khó của DN vẫn tập trung ở điều kiện kinh doanh, giấy phép con làm khó DN, khi hiện còn tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vẫn tiếp diễn tình trạng các đoàn kiểm tra gây phiền hà cho hoạt động của nhiều chủ thể.

Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra một lần/năm như Nghị quyết 35 của Chính phủ. Trên thực tế, một DN phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm toán mỗi năm.

Ðó là chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, y tế... Ðây là hiện trạng phổ biến và cho thấy, Chính phủ ngày càng kiến tạo, còn đội ngũ thực thi vẫn “hành” DN.

Kết thúc phiên họp Chính phủ tháng 10, để gỡ khó cho DN, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đưa ra các giải pháp cắt giảm các loại phí, chi phí cho DN.

Ðể các cải cách không bị nằm “trên giấy”, qua đó giúp DN được thụ hưởng các bước đổi mới về chính sách, theo Người phát ngôn Chính phủ, hoạt động kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ về tháo gỡ khó khăn cho DN, đã và sẽ liên tục được thúc đẩy.

Từ đầu năm đến nay, Tổ công tác đã tiếp nhận 1.094 kiến nghị của DN. Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại và chuyển các phản ánh, kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương để xử lý. Nếu DN chưa hài lòng, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục mời các bộ, ngành đối thoại với DN để giải quyết triệt để.

Thông điệp tháng 10 của Chính phủ đang tiếp thêm động lực cho những bước đi cải cách. Cộng đồng SN có thêm điểm tựa để vượt khó, vươn lên.

Tin bài liên quan