Dòng vốn M&A dự báo tăng mạnh
Theo đánh giá của TS. Trần Toàn Thắng đến từ NCIF, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới nền kinh tế thế giới theo nhiều kênh. Trong đó, mọi cơ hội và thách thức sẽ đến từ các lỗ hổng thương mại do 2 bên tạo ra.
“Lỗ hổng càng lớn thì cơ hội càng dồi dào, nhất là với các quốc gia xuất khẩu. Đối với Việt Nam, việc tận dụng thời cơ này còn phụ thuộc vào thế mạnh thương mại của chúng ta tại thị trường Mỹ”, ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, một xu hướng đáng quan tâm từ tác động của cuộc chiến là xu hướng chuyển dịch dòng vốn. 6 tháng đầu năm 2019, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng chứng kiến sự gia tăng mạnh của dòng vốn FDI dịch chuyển vào, dù theo NCIF, chưa thể khẳng định nguyên nhân hoàn toàn do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại. Đáng chú ý, xu hướng góp vốn và đầu tư mua cổ phần thông qua M&A rõ hơn nhiều ở Việt Nam, khi số vốn tăng rất nhanh so với giai đoạn trước, thậm chí tăng nhiều hơn so với vốn FDI đăng ký.
Theo đánh giá của TS, Thắng, dự báo xu hướng M&A, với dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, do đây là hình thức nhanh và thuận lợi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, mà thời kỳ cao trào nhất là 2 - 3 năm tới, khi tác động của cuộc chiến tranh thương mại đạt đỉnh.
Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm tới dòng vốn gián tiếp nếu có kế hoạch M&A, đồng thời tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn của nhà nước cũng có thể cân nhắc để thu hút dòng vốn này.
Cơ hội cho các ngành?
Nghiên cứu của NCIF cho thấy, lĩnh vực dệt may, vốn được nhận định được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng thực tế có thể trái ngược. Cụ thể, mức thuế trung bình ngành dệt may đã ở mức tương đối thấp nên dù có áp thêm thuế cũng không quá cao, do đó khó tạo cơ hội lớn cho Việt Nam. Điều tương tự cũng xảy ra với ngành da giày, kim loại.
Trong khi đó, dù nhóm ngành thiết bị điện và điện tử được đánh giá có cơ hội tích cực nhưng với cơ cấu xuất khẩu hiện nay, cơ hội ở nhóm này chủ yếu dành cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, không phải các doanh nghiệp nội địa.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VEPR), điều này đặt ra vấn đề chính sách phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử để có thể khai thác cơ hội trong thời gian tới.
Tính toán định lượng tác động từ mô hình kinh tế lượng của NCIF cho thấy, ở kịch bản áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa, tác động tới kinh tế Việt Nam so với kịch bản gốc không có chiến tranh thương mại bao gồm: Từ năm 2018 - 2027 sẽ giảm tăng trưởng GDP từ 0,02% - 0,4%. Trong đó ảnh hưởng lớn nhất khiến mức giảm cao nhất sẽ là từ 2020 - 2023 (giảm từ 0,1% - 0,4%).
Tác động tới xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ có mức giảm nhẹ. Về tổng thể, mức giảm sẽ là lớn nhất đối với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong giai đoạn từ 2019 - 2026 với mức giảm từ 0,5% - 0,9%.
Tác động trong dài hạn và mạnh nhất trong vòng 2 năm tới
Theo dự báo của NCIF, giai đoạn chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa phải là hiện tại và sẽ rơi vào khoảng từ 2021 - 2022, thậm chí với Việt Nam có thể kéo dài tới năm 2023 với các tác động ở quy mô gia tăng đối với tăng trưởng GDP, đặc biệt là tác động tới xuất nhập khẩu dịch vụ và hàng hóa.
“Sẽ có độ trễ nhất định về thời gian khi ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc sẽ ngấm sâu vào tăng trưởng kinh tế thế giới.
Vì vậy, giai đoạn đỉnh điểm chịu tác tiêu cực mới chỉ bắt đầu và sẽ thể hiện rõ nhất, mạnh nhất trong vòng 2 - 3 năm tới khi căng thẳng thương mại dẫn tới thay đổi nguồn cung về hàng hóa tiêu dùng trung gian và giá thành của sản phẩm, từ đó tác động tới kinh tế thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu các động tương tự, và thậm chí còn lớn hơn trong dài hạn do chịu tác động chung suy giảm thương mại toàn cầu, sau đó mới có thể dần dần hồi phục khi các nền kinh tế trở về điểm cân bằng”, báo cáo của NCIF cho biết.