Chỉ chuyển tối đa 3 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Đa số ý kiến tại Thường trực Uỷ ban Kinh tế không nhất trí chuyển đổi dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây.
Một đoạn cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung.

Một đoạn cao tốc Bắc - Nam qua miền Trung.

Đó là quan điểm của Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về đề xuất chuyển đổi 8 dự án từ phương thức đối tác công - tư  (PPP) sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công theo đề xuất của Chính phủ.

Theo chương trình phiên họp 45B, chiều nay (1/6) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Sau khi không được Thường vụ Quốc hội đồng ý chuyển đổi cả 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công, bên cạnh phương án 1 là giữ nguyên đề xuất cũ, Chính phủ đề xuất thêm hai phương án mới

Phương án 2: chuyển đổi 5 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 33.056 tỷ đồng vốn nhà nước. Phương án 3: chuyển đổi 3 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 23.462 tỷ đồng vốn nhà nước. 

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Kinh tế nêu rõ về phương án 1 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành.

Với phương án 2, Thường trực Ủy ban Kinh tế  cho rằng cũng không phù hợp với các yêu cầu tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc.

Phương án 3, theo Thường trực cơ quan thẩm tra có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc hủy kết quả sơ tuyển, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi “số ít dự án” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội .

Tuy nhiên, đa số ý kiến tại Thường trực Uỷ ban không nhất trí với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi. Vì 2 dự án nêu trên có mức vốn nhà nước tham gia rất ít nhưng vẫn có từ 2 đến 3 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Đây cũng là 2 dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải cao nhất trong tổng số 8 dự án, nằm tại cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc hiện hữu, có thể phát huy hiệu quả ngay.

Đặc biệt, dự án Phan Thiết - Dầu Giây có tính hấp dẫn rất cao khi thời gian thu phí chỉ 14,58 năm (thấp nhất trong 8 dự án), cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP. Một số nhà đầu tư cho rằng, nếu được lựa chọn, nhà đầu tư có thể không cần đến tài trợ vốn của các tổ chức tín dụng. Để bảo đảm thực hiện Dự án, Nhà nước có thể yêu cầu ký quỹ trong hồ sơ mời thầu, nếu nhà đầu tư không thực hiện Dự án sẽ mất phần ký quỹ.

Mặt khác, nếu 2 dự án này được lựa chọn chuyển đổi, tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.462 tỷ đồng), không đáp ứng yêu cầu không để nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận.

Nhiều ý kiến tại Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét phương án lựa chọn dự án QL45 - Nghi Sơn và dự án Nghi Sơn - Diễn Châu là 2 dự án có ít nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển nhất (mỗi dự án 2 nhà đầu tư), tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần bổ sung thấp (12.707tỷ đồng) hoặc lựa chọn dự án Nha Trang - Cam Lâm và dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 2 dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải và tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung thấp nhất (9.574 tỷ đồng) là phương án đáp ứng các yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý, cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công.

Tin bài liên quan