Doanh nghiệp không thể thu hồi được công nợ dẫn đến không trả được vốn vay ngân hàng

Doanh nghiệp không thể thu hồi được công nợ dẫn đến không trả được vốn vay ngân hàng

Chặn nợ xấu bằng siết kỷ luật đầu tư công

(ĐTCK) Kỷ luật đầu tư công lỏng lẻo, tính pháp quyền thấp không chỉ ở trong khu vực tư mà ngay cả trong khu vực công, sai phạm về đầu tư công rất phổ biến.

Đó là những nhận xét được chia sẻ tại Hội thảo “Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, sáng qua (24/11).

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mục tiêu của tái cơ cấu đầu tư công là khắc phục ngay hiện tượng đầu tư dàn trải vượt quá khả năng huy động vốn, đưa tổng đầu tư xuống khoảng 1/3 GDP, trong đó đầu tư công khoảng 1/3 tổng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2013, nợ đọng xây dựng cơ bản giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ năm 2011. Tuy nhiên kết quả này vẫn còn thấp hơn kế hoạch xử lý nợ mà Chính phủ đã đặt ra.

Trong số những hạn chế, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề về kỷ luật đầu tư công. Theo ông Anh, những chỉ thị liên tiếp của Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) trong vài năm trở lại đây, cho thấy kỷ cương trong đầu tư công vẫn còn rất lỏng lẻo, mức độ tuân thủ của các địa phương, các cơ quan có nợ đọng XDCB đối với các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là thấp.

Trong đó, đáng chú ý là kết quả xử lý nợ đọng XDCB không rõ ràng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2013, nợ đọng XDCB giảm xuống còn 28.000 tỷ đồng so với mức 85.000 tỷ năm 2011. Tuy nhiên kết quả này vẫn còn thấp hơn kế hoạch xử lý nợ mà Chính phủ đã đặt ra.

Trước thực trạng các địa phương, Bộ, ngành vẫn chưa quyết liệt thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra trên diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ.

Tổng số 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập 740 đoàn Thanh tra để tiến hành thanh tra 12.990 dự án, kiểm tra 194 dự án với tổng mức đầu tư 502.202 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cho thấy các sai phạm trong công tác đầu tư công vẫn còn xảy khá phổ biến.

Cụ thể, sai phạm phổ biến trong công tác quản lý vốn tại các địa phương chính là việc vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án. Tổng cộng có tới 789 dự án bị các đoàn thanh tra ghi nhận sai phạm về trình tự thủ tục với tổng số tiến là 280 tỷ đồng; sai phạm về lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại 272 dự án với số tiền vi phạm là 248 tỷ đồng; sai phạm về nợ đọng XDCB tại 1.527 dự án, với tổng số tiền 1.869 tỷ đồng. Có tới 2.324 dự án vi phạm các lỗi: thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công, thanh toán sai so với dự toán thực tế được duyệt, ứng vốn, nhưng không thực hiện hợp đồng với số tiền là 791,6 tỷ đồng.

Tại các địa phương, các đoàn thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền là 3.189,5 tỷ đồng, trong đó thu hồi về NSNN 123,6 tỷ đồng, giảm trừ giá trị thanh quyết toán 128,6 tỷ đồng và xử lý khác 2.937 tỷ đồng. Với những sai phạm này, đã có 240 tập thể, 197 cá nhân bị kiến nghị có hình thức xử lý kỷ luật; 1 vụ việc bị kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, còn tồn tại tình trạng dự án chưa bố trí vốn, nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh thêm nợ đọng. Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dang dở, nhưng vẫn khởi công các công trình mới, dẫn đến nợ đọng XDCB.

Đơn cử, tại Ninh Bình tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở, với số vốn còn thiếu là 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng là nguyên nhân phát sinh nợ đọng.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận xét, kỷ luật đầu tư công xét về mặt văn bản pháp luật là khá chặt chẽ tuy nhiên trong thực hiện lại rất lỏng lẻo. Trong vòng 3 năm Thủ tướng Chính phủ phải ban hành 5 chỉ thị về một vấn đề là xử lý nợ đọng XDCB nhưng tình trạng để xảy ra nợ đọng mới vẫn tiếp diễn, nợ cũ vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Điều này đang trói buộc rất nhiều doanh nghiệp không thể thu hồi được công nợ dẫn đến không trả được vốn vay ngân hàng và dẫn đến tính trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tiếp tục ở mức cao.

Tin bài liên quan