Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Xung lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Xung lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trị giá hơn 2 tỷ USD sẽ tạo ra những xung lực phát triển mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Tuyến huyết mạch mới

Theo kế hoạch, ngày mai (5/12), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) sẽ tổ chức khánh thành Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km sau hơn 5 năm thi công.

Được kỳ vọng là “gánh vác” trách nhiệm cho Quốc lộ 5 sau nhiều năm bị quá tải, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chứng tỏ được năng lực lưu thông sau 2 đợt thông xe trong năm 2015.

“Nếu xuất phát từ cầu Thanh Trì trên đường vành đai III, hành trình từ Hà Nội tới cụm cảng Đình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng) chỉ mấy chưa đầy 1 giờ chạy xe”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi cho biết.

Trước đó, tháng 5/2015, chủ đầu tư đã thông xe phân đoạn đầu tiên của Dự án dài 22,7 km qua TP. Hải Phòng (từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao đường 353). Sau đó 4 tháng, 50 km cao tốc tiếp theo nối Hải Phòng và Hưng Yên cũng được đưa vào khai thác.

“Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước.

Cần phải nói thêm rằng, với mức thu phí 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, công trình hạ tầng do Vidifi làm chủ đầu tư đang là tuyến cao tốc có mức thu thấp nhất xét trên cả 2 khía cạnh là số lượng làn xe và chất lượng công trình.

Là trục giao thông quan trọng kết nối Thủ đô Hà Nội với TP. Hải Phòng, nối liền Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc, Cảng Quốc tế Lạch Huyện, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tạo môi trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạng lưới giao thông khu vực phù hợp với chiến lược phát triển giao thông Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh đó, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ cùng với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Hạ Long tạo thành mạng lưới đường cao tốc của Bắc Bộ; rút ngắn rất nhiều thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc.

“Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước. Khi hoàn thành, Dự án sẽ giúp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5, kết nối kinh tế - xã hội với các vùng phía Bắc”, ông Tỉnh khẳng định.

Công trình đạt chuẩn quốc tế

“Mặc dù do một doanh nghiệp ngoài ngành giao thông đầu tư, nhưng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại là công trình đường bộ duy nhất hiện nay có chất lượng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá.

Cụ thể, tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc quốc tế loại A, với chiều dài 105,5 km. Với quy mô 6 làn đường xe chạy và 2 làn đường dừng khẩn cấp, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn là công trình hạ tầng đường bộ lớn và hiện đại nhất Việt Nam.

Theo Vidifi, trên tuyến có 7 nút giao liên thông khác mức tại các điểm giao cắt với các quốc lộ; có 17 cầu lớn, 24 cầu trung, 22 cầu vượt và cầu nút giao (tổng chiều dài cầu khoảng 14 km). Dự án sử dụng thảm asphalt polymer và lớp tạo nhám trên mặt để đảm bảo an toàn cho xe chạy với tốc độ 120 km/giờ.

“Đây là lớp bê tông asphalt được áp dụng những công nghệ làm đường mới nhất của thế giới, bao gồm 1 lớp bê tông nhựa mịn 5 cm sử dụng nhựa polymer và lớp tạo nhám 2 cm nhằm đảm bảo tốc độ khai thác 120 km/giờ”, Thứ trưởng Trường đánh giá.

Điều đáng lưu ý là, khi hoàn thành toàn tuyến, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín; các công trình an toàn giao thông được thiết kế, lắp đặt hoàn chỉnh, hiện đại và có các khu dịch vụ tại các nút giao và những vị trí phù hợp.

Được biết, chuẩn bị cho việc đưa toàn tuyến đường vào khai thác, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời cũng đã làm việc với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc.

“Dự án đang được các nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm và chủ đầu tư đang trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chuyển nhượng một phần theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải và Thủ tướng Chính phủ để tạo nguồn đầu tư cho dự án hạ tầng khác”, lãnh đạo Vidifi tiết lộ.

Tin bài liên quan