Thực tế CPI tăng trưởng thấp trong 8 tháng qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm, một phần nguyên nhân do lãi suất thực cao

Thực tế CPI tăng trưởng thấp trong 8 tháng qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm, một phần nguyên nhân do lãi suất thực cao

Cảnh giác lạm phát thấp những tháng cuối năm

(ĐTCK) Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2017 tăng so với tháng trước, nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo, xu hướng lạm phát thấp từ nay tới cuối năm có khả năng ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của năm nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng 7/2017, tăng 1,23% so với cuối tháng 12/2016 và 3,35% so với tháng 8/2016; CPI bình quân 8 tháng đầu năm nay tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mức tăng tương đối mạnh trong bối cảnh có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính trong rổ hàng hóa dịch vụ tăng giá, nhưng tương quan với cùng kỳ các năm giai đoạn 2008-2016 thì mức tăng của CPI tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017 vẫn khá thấp, thể hiện rõ ở mức tăng của lạm phát cơ bản.

Cụ thể, cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 8/2017 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,31 % so với cùng kỳ 2016; tính bình quân 8 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ 2016 tăng 1,47%, thấp hơn mức kế hoạch là 1,6-1,8%.

Nhìn lại tháng 7/2017 có thể thấy, CPI tháng này ở mức thấp nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, chuyên gia kinh tế, trong năm 2017, xu hướng CPI các tháng giảm dần từ đầu năm tới tháng 6 là hiện tượng bất thường so với các năm trước.

“Điều này cần được theo dõi chặt chẽ trong các tháng tới để có giải pháp kịp thời, tránh làm tác động tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế”, ông Tuyến khuyến cáo.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, mức lạm phát  4,15% trung bình 6 tháng đầu năm không phản ánh chính xác thực tế của nền kinh tế. Theo phân tích của ông Độ, sự gia tăng của chỉ số CPI thời gian gần đây chủ yếu do các lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế bằng biện pháp hành chính.

“Nếu loại trừ yếu tố này, lạm phát 6 tháng đầu năm 2017 thậm chí đã ở mức âm, trong đó có 4 tháng âm liên tiếp (từ tháng 3 đến tháng 6). Theo đó, CPI chỉ tăng 0,2%, còn GDP chỉ tăng 5,73%, nền kinh tế dường như có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát”, ông Độ nhận định.

Đánh giá việc lạm phát giảm trong mối tương quan với lãi suất, ông Độ cho rằng, ở một mức độ nào đó, thực tế tăng trưởng thấp trong 8 tháng qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm, có nguyên nhân là do lãi suất thực cao, mà lãi suất thực cao là bởi lạm phát giảm nhanh hơn lãi suất. Vì vậy, để đạt được mức tăng trưởng cao hơn, theo ông Độ, cần giảm lãi suất thực.

“Muốn lãi suất thực giảm, hoặc lãi suất danh nghĩa phải giảm, hoặc lạm phát phải tăng. Tuy nhiên, theo logic của kinh tế học, lạm phát chỉ có thể tăng nếu lãi suất giảm. Bởi vậy, giảm lãi suất là nhu cầu cấp bách để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Độ phân tích và dự báo, trong trung hạn, nhiều khả năng lạm phát sẽ chỉ dao động quanh mức 1% trong trường hợp không tính việc điều chỉnh giá bằng biện pháp hành chính. Thậm chí, lạm phát cơ bản và lạm phát GDP sẽ khó vượt mức 2% trong vài năm tới nếu lãi suất thực tiếp tục neo ở mức cao.

Dự báo về xu hướng lạm phát trong các tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không có biến động lớn do giá cả nhiều mặt hàng ổn định. Theo đó, lạm phát 2017 sẽ dao động trong khoảng 2-2,5%.

“CPI các tháng đầu năm 2017 chỉ tăng nhẹ, nên kỳ vọng phát triển là khá mong manh. Để đảm bảo cho nền kinh tế khởi sắc, những tháng cuối năm, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, kích thích sản xuất, tiêu dùng…”, PGS.TS. Ngô Văn Hiền, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị.            

Theo TS. Nguyễn Hợp Toàn, chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cần tiếp tục điều hành chính sách lãi suất ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến lạm phát và nền kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi. Cùng với đó, cần điều hành linh hoạt giá các đầu vào thiết yếu của sản xuất như điện, than, phân bón, giá các dịch vụ y tế và giáo dục…, tránh dồn vào cùng một thời điểm sẽ tác động đến CPI của cả nước.

Trong khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay cùng giảm sẽ khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng. 

Tin bài liên quan