Cẩn trọng ẩn số chi phí đẩy gia tăng lạm phát 2019

Cẩn trọng ẩn số chi phí đẩy gia tăng lạm phát 2019

(ĐTCK) Ba kịch bản lạm phát cho năm 2019 vừa được Viện Kinh tế Tài chính đưa ra cho thấy, ở kịch bản cao nhất, áp lực gia tăng lạm phát không lớn, nhưng cần lưu ý các yếu tố chi phí đẩy. 

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, trong kịch bản thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỷ giá VND/USD tăng 1%, lạm phát tháng 12/2019 so với cùng kỳ năm 2018 ở mức 1% và lạm phát trung bình cả năm khoảng 2,5%.

Với kịch bản trung bình, lạm phát tăng khoảng 0,14%/tháng, chưa tính điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục, tương đương với mức tăng của lạm phát cơ bản trong năm 2018. Với mức tăng này, lạm phát tháng 12/2019 so với cùng kỳ năm 2018 vào khoảng 1,7% và lạm phát trung bình cả năm trên 2%. Do Chính phủ sẽ điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình nên lạm phát trung bình ở kịch bản này cao hơn, nhưng theo tính toán, nhiều khả năng chỉ ở mức 3%.

Còn với kịch bản cao, giả định giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng trong năm 2018, đồng thời Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, thì lạm phát trung bình cả năm 2019 cũng không cao hơn mức 3,54% của năm 2018.

“Về tổng thể, có thể nhận định, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như chắc chắn sẽ đạt được”, ông Độ nhấn mạnh và cho biết, với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước là 2,98% và giảm mạnh so với mức 3,89% trong tháng 10/2018.

“Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019, bởi mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng sẽ ở mức dưới 3%, sau khi Liên bộ Tài chính - Công thương quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm cũng như lạm phát trung bình năm 2019”, ông Độ nói.

Theo nhiều chuyên gia, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 không chỉ thuận lợi do giá dầu giảm, mà còn do các yếu tố khác. Giá thịt lợn, vốn là một trong những yếu tố tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh sau khi đạt mức trên 50.000 đồng/kg (thuộc hàng cao nhất thế giới) đã chững lại.

Giá thịt lợn trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ không tăng, thậm chí giảm. Yếu tố thứ hai là áp lực đối với tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, bởi kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của Fed đang ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với USD không còn mạnh như trước.

Một yếu tố khác là những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt, giúp tỷ giá Nhân dân tệ ổn định hơn. Khi cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, việc gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa 2 nước sẽ không có lợi cho bất kỳ nước nào, kể cả bên thứ ba là các nước còn lại.

Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, cả 3 yếu tố khiến lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỷ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Do đó, nhiều khả năng lạm phát trong năm 2019 sẽ thấp hơn năm 2018.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Kim Chi, giảng viên Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo, 4 yếu tố có thể tạo chi phí đẩy gia tăng sức ép tăng lạm phát trong năm 2019. Trước hết, đó là độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng.

 Tốc độ tăng M2, GDP, lạm phát của Việt Nam 2007 - 2017.

“Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 liên tục ở mức khá cao, sau giai đoạn tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2011 - 2012 thì giai đoạn 2013 - 2017 tăng cao trở lại khoảng 16 - 18%. Tốc độ tăng trưởng M2 luôn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP trong giai đoạn trước sẽ tạo ra những rủi ro tác động lên lạm phát năm 2019”, bà Chi nói.

Ngoài ra, giá dầu thô thế giới có thể tăng và việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng tăng; tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 có thể tác động đến lạm phát thực tế; lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế tiếp tục được thực hiện trong năm 2019, sẽ tạo ra áp lực đối với chỉ số giá tiêu dùng năm 2019, giống như đã tạo ra áp lực trong năm 2018.

“Để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, cần nắm bắt rõ những thách thức này, đồng thời phải có các biện pháp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ngay từ đầu năm 2019 tránh để chỉ số tăng mạnh khó kiểm soát”, bà Chi khuyến nghị.   

Tin bài liên quan