Cần đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp Việt vào TOP 500 thế giới

Cần đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp Việt vào TOP 500 thế giới

(ĐTCK) Năm 2016, doanh thu của 3 "ông lớn" EVN, PVN và Viettel chiếm tới hơn 50% tổng doanh thu của toàn khối DNNN, nhưng vẫn có khoảng cách rất lớn nếu so với những DN lớn trên thế giới. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước trong giai đoạn tới, theo giới chuyên gia, cần sớm đặt mục tiêu để các "đầu tàu" kinh tế này vươn tầm thế giới.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước "lỗ bền vững"

Báo cáo sơ bộ "Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam vừa công bố cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm đều trong giai đoạn 2012-2016.

Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) thua lỗ hàng năm không giảm, với 20% DN luôn ở trong trạng thái “lỗ bền vững”, không có lợi nhuận.

So với năm 2015, tuy tổng tài sản năm 2016 của khối này tăng 3,5%, tổng vốn chủ sở hữu tăng 4,3% nhưng tổng doanh thu giảm 1%, tổng lợi nhuận trước thuế giảm 14%, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước giảm 7%.

Tính riêng các DN 100% vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận giảm dần trong giai đoạn 2012-2016: ROE giảm 39%, ROA giảm 30%.

Đáng chú ý, trong năm 2016, doanh thu của toàn khối DNNN chủ yếu tập trung vào 3 "ông lớn" là Tập đoàn Điện lực (EVN) đạt 11,9 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí (PVN) đạt 11,8 tỷ USD và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là 10,9 tỷ USD.

“Chỉ riêng doanh thu của 3 DN trên đã chiếm tới hơn nửa tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, còn lại đa phần có doanh thu trung bình và nhỏ, nhiều DN liên tục thua lỗ”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Cũng theo ông Cung, tuy có doanh thu lớn, nhưng nếu so với TOP 500 DN lớn nhất thế giới, cả 3 "đầu tàu" của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn, bởi DN đứng cuối bảng là Ericsson đã có doanh thu là 23,5 tỷ USD. 

Cần đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp Việt vào TOP 500 thế giới

Theo tính toán của CIEM, chỉ cần gia tăng mức tăng trưởng lợi nhuận của khu vực DNNN ở mức trung bình là đã đẩy nhanh tăng trưởng GDP trên 1% - mức tăng rất đáng kể trên tổng quy mô kinh tế quốc gia.

“Với tăng trưởng DNNN tính theo tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản là 4,6%, thì giá trị lợi nhuận gia tăng trong GDP là 0%. Nhưng chỉ cần nhích lên 5% thì giá trị lợi nhuận gia tăng trong GDP đã thêm được 0,27%. Nếu đạt được mức 6% thì GDP thêm 0,95 % và nếu đạt mức 7% thì đóng góp vào GDP tới 1,6%”, ông Cung phân tích.

Theo đó, ông Cung cho rằng, rất cần đặt mục tiêu sớm có DNNN lọt được vào TOP 500 DN lớn nhất thế giới nhằm tăng động lực và sức ép để những "đầu tàu" kinh tế này phải đẩy mạnh tái cơ cấu, gia tăng quy mô và hiệu quả xứng tầm là những tập đoàn hàng đầu không chỉ ở trong nước và khu vực, mà còn trên thế giới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa không tách rời nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DNNN, CIEM đề xuất, cần tập trung tái cơ cấu có chọn lọc.

Theo đó, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các DN yếu kém, các dự án thua lỗ, cần đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các DN tốt, có tiềm năng phát triển, tìm kiếm các dự án có tiềm năng, đang kinh doanh tốt để thúc đẩy hỗ trợ, cụ thể là tập trung đầu tư vào các DN quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ít nhất 20%/năm.

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các khoản trợ cấp nếu có đối với DNNN, loại bỏ các hành vi  độc quyền không phải là độc quyền tự nhiên, đồng thời rà soát, bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan, đảm bảo quyền tự chủ đầu tư kinh doanh của DNNN...

“Quy định hiện hành đang ràng buộc tính tự chủ của các DNNN. Sau thất bại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn trước đó, không nên can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN, cần cởi bỏ các ràng buộc cho DNNN để họ tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Nhà nước nên quản lý bằng kết quả, chứ không nên chỉ tay bày việc”, ông Cung nhấn mạnh.

Tiến sy Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, quy mô và tỷ trọng DNNN quá lớn, nên khó quản trị hiệu quả. Theo chuyên gia này, ở Việt Nam, tổng tài sản DNNN chiếm tới 80% GDP, trong khi các nước OECD chỉ là 15% GDP. 

Điều này cho thấy sự bất cân xứng và bất hợp lý trong cơ cấu tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế thị trường.

“Nên giảm quy mô và tỷ trọng DNNN xuống khoảng 25%, khi đó sẽ có mô hình quản trị phù hợp với từng nhóm ngành. Với thực trạng hiện nay, điều duy nhất có thể làm được để nâng cao hiệu quả là minh bạch thông tin của DNNN như các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán để giúp nâng cao chất lượng quản trị...”, ông Minh đề xuất.

Cần đẩy nhanh rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN... 

Cần đẩy nhanh rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục rà soát hệ thống các DNNN, tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội; duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sau tái cơ cấu của DNNN.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Tin bài liên quan