Nền kinh tế vẫn đang cần các biện pháp kích thích để tăng trưởng

Nền kinh tế vẫn đang cần các biện pháp kích thích để tăng trưởng

Cần có gói kích cầu thứ 2

Gói kích cầu của Chính phủ sẽ chấm dứt vào cuối tháng 12/2009. Gói kích cầu thứ hai thì hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định có thực hiện hay không. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright về vấn đề này.

Theo ông, có cần thiết phải đưa ra gói kích cầu thứ 2 hay không?

 

Xét về bên ngoài, kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục nhưng chưa rõ nét. Khối G20 vừa nhóm họp và vẫn cam kết tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế. Trong nước thì đã xuất hiện những dấu hiệuphục hồi đầu tiên. Nếu tốc độ tăng GDP quý 1 chỉ là 3,1% thì sang quý 2 đạt 4,5%, ước tính sẽ tiếp tục tăng trong quý 3. Tuy nhiên, số liệu quý 2 cho thấy tiêu dùng giảm 10%; đầu tư tư nhân cũng giảm trong khi hàng tồn kho tăng 34%.

Cần có gói kích cầu thứ 2   ảnh 1
TS Vũ Thành Tự Anh

Như vậy, sự phục hồi kinh tế vẫn còn chậm và chưa thực sự vững chắc. Khi cả nền kinh tế bên trong và bên ngoài đều chưa phục hồi rõ nét thì Chính phủ vẫn cần thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế.

 

 

Để có thể đạt hiệu quả cao về kích thích tăng trưởng kinh tế, theo ông cần phải làm gì trước khi tung gói kích cầu này ra?

 

Trước khi bàn về gói kích thích thứ hai cần phải đánh giá một cách khách quan về hiệu quả của gói kích thích thứ nhất đối với đầu tư, tiêu dùng, việc làm và tăng trưởng. Thứ hai là tìm hiểu xem dòng tiền của gói kích thích thứ nhất thật sự chảy về đâu.

 

TIN LIÊN QUAN

* Đề nghị dừng đúng hạn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn

* Cuối tháng 10 sẽ quyết định gói kích cầu thứ hai

* Sắp trình Chính phủ kế hoạch “hậu” kích cầu

* Gói kích cầu thứ hai giúp doanh nghiệp đỡ “sốc”

* “Việc đưa ra gói kích cầu thứ hai là không cấp thiết”

* “Cần bước đệm để kinh tế hạ cánh mềm”

Nếu như chúng ta bỏ ra rất nhiều tiền, tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao, gói hỗ trợ lãi suất 4% giải ngân ào ạt nhưng kết quả cuối cùng là không kích thích được tăng trưởng, tiêu dùng, đầu tư mà tiền lại đổ vào chứng khoán, bất động sản thì không đạt được mục tiêu. Thứ ba là cần phải tiên lượng hệ quả mà hai gói kích cầu sẽ mang lại. Tất nhiên, còn nhiều vấn đề khác nữa nhưng theo tôi nếu không trả lời được ba câu hỏi trên thì không thể định hình được gói kích cầu thứ hai một cách hiệu quả.

 

Theo ông, việc triển khai gói kích cầu thứ 2 có khiến nguy cơ lạm phát cao hơn không?

 

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì mấy lý do. Nếu thị trường thế giới phục hồi vào cuối năm nay và đầu năm sau thì chắc chắn giá năng lượng và giá lương thực sẽ tăng. Vì hai yếu tố này chiếm trọng số rất lớn trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam nên chắc chắn sẽ gây sức ép đẩy CPI (chỉ số giá tiêu dùng - PV) lên. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế trong nước phục hồi thì đương nhiên giá cả sẽ tăng trở lại. Một nhân tố quan trọng nữa là chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng của Việt Nam từ đầu năm đến nay, đặc biệt từ khi gói hỗ trợ lãi suất được triển khai hồi giữa tháng 2.

 

So với tháng 12/2008, nếu như tốc độ tăng tín dụng trong 2 tháng đầu năm chưa tới 2% thì đến cuối tháng 5, con số này đã vọt lên gần 16%, và hiện nay là khoảng 25%. Lưu ý rằng luôn luôn tồn tại một độ trễ khoảng 5-7 tháng giữa thời điểm cung tiền và tín dụng bắt đầu tăng tốc cho đến khi CPI tăng tốc theo. Điều đó có nghĩa chính sách tiền tệ nới lỏng rất nhanh trong quý 2 vừa rồi sẽ gây sức ép khiến CPI tăng vào cuối năm nay và đầu năm sau. 

 

Nếu tính chung cả năm nay thì tăng trưởng tín dụng và cung tiền sẽ vào khoảng 30%. Trong một nền kinh tế tăng trưởng khoảng 5% thì mức tăng tín dụng và cung tiền này là rất lớn. Nói tóm lại, dường như các sức ép lên CPI, từ bên trong lẫn bên ngoài, đều xuất hiện hay tăng tốc từ cuối năm nay và đầu năm sau. Đó là chưa kể đến việc lương cơ bản sẽ tăng 10-15% từ 1/1/2010. Như vậy, nếu không có sự điều chỉnh thích hợp trong chính sách tiền tệ thì có thể nói chắc chắn là CPI năm sau sẽ cao hơn năm nay. Bên cạnh đó còn có nguy cơ thâm hụt ngân sách và rủi ro tỷ giá.

 

Vậy theo ông, nên thiết kế gói kích cầu thứ 2 như thế nào để tránh được các nguy cơ nói trên?

 

Về quy mô, tôi cho rằng gói kích thích thứ 2 nên nhỏ vì thâm hụt ngân sách của ta đang còn lớn. Về thành phần, gói kích thích trước đây bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng; xây nhà ở xã hội; miễn thuế giảm thuế; phát triển nông thôn; an sinh xã hội và hỗ trợ 4% lãi suất. Quan điểm của tôi là tiếp tục các thành phần kia trừ gói hỗ trợ 4% lãi suất.

 

Lý do là hỗ trợ lãi suất tạo tâm lý ỷ lại lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, và thực tế thì gói hỗ trợ thứ nhất đã rất lớn rồi. Với những bộ phận còn lại, tôi cho rằng Chính phủ vẫn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì đây vẫn là nút thắt cổ chai của nền kinh tế. Không thể không đầu tư cho nông thôn vì đây là bộ phận giảm xóc cho nền kinh tế. Không thể không cải thiện phúc lợi của người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nhiều để giảm bớt nguy cơ bất ổn xã hội... Về thời gian, nên ngắn hạn vì một mặt, chúng ta vẫn còn gói hỗ trợ trung và dài hạn đến cuối năm sau mới hết. Mặt khác, sự ngắn hạn sẽ tạo ra tính linh hoạt trong chính sách.