Cần cái nhìn khách quan về môi trường đầu tư

Trong khi một số chuyên gia kiến nghị, đã đến lúc cần chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài một cách chọn lọc đi kèm điều kiện, thì cũng có quan điểm cho rằng, cần nhìn nhận khách quan về môi trường đầu tư đã thực sự hấp dẫn hay chưa để ra điều kiện với nhà đầu tư.

Thảm đỏ vẫn có gai

Bàn về câu chuyện này tại Tọa đàm “Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài” do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, trước khi nghĩ đến chuyện lựa chọn, sàng lọc đầu tư nước ngoài (FDI), cần nhìn nhận đánh giá khách quan về môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là việc thực thi pháp luật.

“Với thực trạng như hiện nay, để duy trì thu hút được FDI đã là khó. Chúng ta hãy thẳng thắn nhìn nhận xem môi trường đầu tư trong nước đã thực sự hấp dẫn chưa”, ông Ái nói.

Minh chứng cho nhận xét này, ông Ái cũng cho hay, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, những quốc gia đã có mối quan hệ với Việt Nam, am hiểu môi trường đầu tư Việt Nam. Trong tổng vốn đăng ký 310 tỷ USD đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã chiếm hơn 30%.

Cần cái nhìn khách quan về môi trường đầu tư ảnh 1

 Sản xuất chân vịt cho du thuyền tại Nhà máy Nakashima (Nhật Bản) tại Hải Phòng.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, lợi thế về dân số vàng của Việt Nam không còn kéo dài lâu nữa, nên sự hấp dẫn của Việt Nam có thể giảm đi sau 7 - 8 năm tới.

Một nhân tố khác ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng được chuyên gia này chỉ ra, đó chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Ái chia sẻ rằng, bản thân KPMG thời gian đầu vào Việt Nam cũng chỉ có khoảng 100 nhân sự, sau thời gian dài mới lên được đội ngũ 1.200 nhân sự chất lượng như hiện nay. Trong thời gian làm việc tại KPMG, ông đã tiếp xúc với khá nhiều tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng rồi lại rút lui mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Cùng quan điểm trên, bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Earn&Young Việt Nam cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng thực thi chính sách lại có vấn đề lớn.

“Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, phải trực tiếp ngồi cùng doanh nghiệp mới thấy họ khó khăn như thế nào”, bà Hương Vũ nói.

Phó tổng giám đốc E&Y cũng chia sẻ câu chuyện một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã buộc phải nộp thuế nhập khẩu một cách bất hợp lý, do việc áp đặt mã thuế không phù hợp với chủng loại hàng hoá nhập khẩu. Doanh nghiệp đành phải nộp thuế và kêu cứu cơ quan chức năng.

Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa, nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp; cả hai đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp

- GS-TSKH Nguyễn Mại.

Sau hơn 1 năm, Tổng cục Hải quan ra kết luận doanh nghiệp đúng. “Lúc đó, lãi suất của khoản thuế đã đóng được tính thế nào, ai sẽ đứng ra trả cho doanh nghiệp, chưa nói đến chuyện thu hồi lại khoản thuế đã đóng cũng là vấn đề không dễ?”, bà Hương Vũ đặt câu hỏi.

Một câu chuyện khác cũng được bà Hương Vũ chia sẻ là tính hồi tố của các văn bản pháp quy. “Khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cách đây 15 năm, cơ quan cấp phép ghi rõ ưu đãi đầu tư tại Giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, khi thanh, kiểm tra, cơ quan thuế lại cho rằng, ưu đãi đưa ra như vậy là quá cao.

Doanh nghiệp ngã ngửa bởi họ coi Giấy phép đầu tư là văn bản mang tính pháp lý cao nhất của Nhà nước áp dụng cho dự án của mình”, bà Hương Vũ nói. Theo bà, Việt Nam cần áp dụng và tuân thủ nguyên tắc không hồi tố để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, cần thực hiện đầy đủ những gì Chính phủ đã cam kết với nhà đầu tư.

Gỡ nút thắt thông dòng vốn FDI

Sau 30 năm đổi mới mở cửa thu hút FDI, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và đã tích luỹ được những kinh nghiệm quý giá trong việc xúc tiến và chọn lọc đầu tư. Tuy vậy, bối cảnh trong nước và quốc tế đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt được dự báo tác động mạnh tới dòng vốn FDI trong thời gian tới.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Tất Thắng nhận xét, chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia phát triển chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cả thế giới đang chuyển mình cùng cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam muốn thu hút đầu tư chắc chắn không thể nằm ngoài cuộc chơi toàn cầu này. Với một quốc gia còn khá lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, chính sách thu hút đầu tư sắp tới chắc chắn đòi hỏi phải rất linh hoạt mới đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Khi các lợi thế đang mất dần, thách thức ngày càng tăng lên, việc cải thiện môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, hấp dẫn, để nâng cao khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác là điều hết sức cần thiết.

Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, dù là vấn đề hoạch định chính sách hay thực thi, yếu tố then chốt vẫn nằm ở con người. Để thực sự có một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn đối với nhà đầu tư và để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam thì điều cần thay đổi ở đây chính là tư duy và hành động của con người trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhìn nhận, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương và chỉ đạo ráo riết để tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng hơn, được nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, tuy vậy, sự chuyển động của một số bộ, ngành và địa phương vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn và có hiệu quả hơn.

Vị Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, hai nút thắt chính cần cởi bỏ hiện nay là hiệu lực của bộ máy nhà nước và chất lượng đội ngũ công chức.

“Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa, nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp; cả hai đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp”, GS-TSKH Nguyễn Mại đánh giá. Ông nhấn mạnh, đó là hai lực cản cần tập trung giải quyết để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI theo định hướng mới.

Tin bài liên quan