Cần “cá nhân hóa” trách nhiệm!

Cần “cá nhân hóa” trách nhiệm!

(ĐTCK) Thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, đến ngày 26/11, trong số 289 doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 như kế hoạch, cả nước mới cổ phần hóa được 182 doanh nghiệp. 

Nếu các bộ, địa phương, doanh nghiệp nỗ lực, thì năm nay dự kiến cổ phần hóa được 210 doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa kế hoạch cổ phần hóa 2015 không thể cán đích. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về ai?

Để tránh “tồn kho” trách nhiệm, tác động tiêu cực đến nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa,  soi chiếu lại trách nhiệm của các bên liên quan để xảy ra cổ phần hóa chậm là việc một số cơ quan chức năng đang thực hiện.

Tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015 mới đây, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã công khai các chủ thể thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa chậm gồm Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước; UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang…

Không chỉ dừng ở công khai các chủ thể chỉ đạo triển khai cổ phần hóa chậm như trên, tại báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tháng 11/2015 được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa trình lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã có thêm hình thức công khai trách nhiệm mới, đó là trách nhiệm của các cơ quan chậm ban hành chính sách hỗ trợ đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, như kế hoạch, trong tháng 9/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải trình Chính phủ 2 nghị định về chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nhưng đến nay vẫn chưa trình. Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…, cũng là các đơn vị còn nợ chính sách hỗ trợ cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Những cấp độ soi chiếu trách nhiệm chậm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói trên đang ở mức trách nhiệm tập thể. Để tính đến cấp độ quy trách nhiệm cao hơn, khó hơn như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức triển khai cổ phần hóa chậm, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu cho Thủ tướng hướng xử lý trách nhiệm các đối tượng này.

Mặc dù vậy, việc triển khai cổ phần hóa chậm còn có cả phần trách nhiệm của các bộ, UBND các tỉnh, nên cũng cần xem xét có chế tài với các cán bộ có liên đới trách nhiệm trong quá trình tổ chức triển khai, chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, cũng như tham gia xây dựng chính sách, nhưng không đạt yêu cầu đặt ra.

Một khi việc xử lý trách nhiệm những cá nhân để xảy ra cổ phần hóa chậm được tiến hành kịp thời, đủ sức răn đe, thì sẽ giúp cho việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2016, cũng như giai đoạn tới, đạt cả yêu cầu về lượng và chất như mục tiêu mà Chính phủ đang hướng tới.

Tin bài liên quan