Tăng bậc nhờ đâu?
10 năm kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới vẫn đang “lạc lối” trong chu kỳ tăng trưởng thấp, bất chấp việc các ngân hàng trung ương đã bơm hơn 10.000 tỷ USD vào thị trường.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vẽ nên một bức tranh nhiều màu xám, nhưng không vì vậy mà thiếu đi một số mảng màu nổi bật hơn. Đó chính là các quốc gia đang có bước tiến nhanh, mạnh trong cuộc đua phát triển và Việt Nam là một trường hợp điển hình.
WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 trên thế giới năm 2019 (trong 141 nền kinh tế được xếp hạng), tăng 10 bậc so với năm 2018.
Đây là mức tăng lớn nhất trong bảng xếp hạng, phản ánh những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong thời gian qua.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu đánh giá khả năng cạnh tranh của 141 nền kinh tế dựa vào 103 chỉ số chính được chia thành 12 trụ cột.
Các trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, phổ cập công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động trong kinh doanh và năng lực đột phá sáng tạo.
Việc Việt Nam có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu là nhờ 8/12 trụ cột tăng điểm và nâng bậc.
Trong đó, phổ cập công nghệ thông tin có cải thiện lớn nhất (tăng 54 bậc), nhờ các thành phần trong trụ cột này có diễn biến tích cực, bao gồm thuê bao Internet, di động, số người sử dụng Internet… gia tăng. Tiếp theo đó là sự cải thiện của các trụ cột gồm thị trường sản phẩm (tăng 23 bậc), mức độ năng động trong kinh doanh (tăng 12 bậc), thị trường lao động (tăng 7 bậc)…
Điểm số cho 12 trụ cột đánh giá của Việt Nam tại báo cáo Cạnh tranh toàn cầu.
Đây là kết quả có được nhờ liên tục từ năm 2014 cho tới nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất có thể kể tới như ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương...
Chia sẻ góc nhìn về câu chuyện này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc theo xếp hạng của WEF đã phần nào phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Đây là chỉ báo tích cực bởi nó thể hiện sự cải thiện trong tương quan so sánh với các quốc gia trên toàn cầu, đồng thời là góc nhìn đánh giá khách quan từ bên ngoài từ một tổ chức độc lập, uy tín. Điều này sẽ góp phần gia tăng lòng tin, cải thiện tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt giới đầu tư toàn cầu.
Thêm cơ hội hút vốn
Theo báo cáo “Siêu sao FDI 2019 - Những thay đổi” do Global Finance thực hiện, vừa được công bố ngày 9/10/2019, xung đột thương mại Mỹ - Trung, nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit đã khiến dòng vốn đầu tư trên toàn cầu giảm sút và có sự chuyển mình về hướng các quốc gia đang phát triển. 2019 là năm thứ ba liên tiếp vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu đi xuống, với mức giảm 13% so với năm trước đó, còn 1.300 tỷ USD.
Số liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy, vốn FDI vào các quốc gia phát triển giảm 25%, đặc biệt là châu Âu với mức giảm 55%, xuống mức thấp nhất 15 năm qua.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy về các khu vực như châu Phi (tăng 11%) và các quốc gia đang phát triển tại châu Á (tăng 3,9%)…
Trong nhiều năm qua, Global Finance đã xếp hạng các quốc gia dựa trên năng lực, sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, trong bảng xếp hạng năm 2019, Việt Nam đứng thứ 16, tăng 9 bậc so với năm 2018.
Không chỉ chứng kiến dòng vốn FDI chảy vào đều đặn trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam còn trở nên thu hút hơn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Trung Quốc rời bỏ nền kinh thế lớn thứ hai thế giới, tìm nơi định cư mới.
Nhìn vào hoạt động thu hút FDI trong 3 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở sản xuất tương đối hoàn thiện, sức cạnh tranh gia tăng và được xếp vào Top 20 “những kẻ khổng lồ” trong thu hút FDI toàn cầu trong thập kỷ qua.
Đáng chú ý, năm 2019, theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2019 của WEF, ngoại trừ Singapore và Việt Nam, các quốc gia còn lại trong khu vực ASEAN đều giảm điểm hoặc giảm bậc.
Trong bối cảnh dòng tiền đầu tư chảy về các quốc gia đang phát triển tại châu Á, đây sẽ là điểm nhấn cho sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, nhất là khi các nỗ lực cải cách vẫn đang được tiến hành.