Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Cải cách để doanh nghiệp “muốn lớn”

(ĐTCK) Chia sẻ trong cuộc tọa đàm về tạo đà cho doanh nghiệp phát triển mới đây, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, ông nghiêng về quan điểm các doanh nghiệp Việt Nam đang ở tình trạng khó lớn, chứ không phải không muốn lớn.

Cũng theo TS. Lưu Bích Hồ, trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 doanh nghiệp, đến nay cả nước có 600.000 doanh nghiệp, dự kiến sẽ lên 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020.

Mục tiêu về số lượng là có thể đạt được vì mỗi năm số doanh nghiệp thành lập mới tăng thêm ít nhất trên 100.000 đơn vị. Tuy nhiên, số doanh nghiệp vượt qua tầm nhỏ và vừa, bước vào sân chơi của doanh nghiệp lớn hay những doanh nghiệp đầu đàn trong nền kinh tế thì còn rất ít. Ðiểm đi điểm lại khối doanh nghiệp tư nhân đầu đàn cũng chỉ có những cái tên như Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Hòa Phát, Tân Hiệp Phát, TH True Milk…

TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, khi thành lập doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng mang trong mình khát vọng phát triển, muốn lớn, nhưng thách thức thương trường cùng những khó khăn về môi trường kinh doanh vẫn khiến đại đa số doanh nghiệp Việt Nam trong vòng luẩn quẩn nhỏ bé.

Trong khi đó, cuộc cách mạng 4.0 đang tạo nên sự kết nối và thay đổi như vũ bão trên trường quốc tế. Nếu không thay đổi, không bắt kịp và tiến cùng thì thật khó tồn tại trong cạnh tranh, khó mong có những thương hiệu Việt vươn xa.

Ðứng từ góc nhìn doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với cả 2 thực tế: Không thể lớn và không muốn lớn. Không thể lớn vì năng lực và nguồn lực hạn chế, còn không muốn lớn vì… sợ, đặc biệt là sợ phá vỡ sự ổn định hiện có, sợ rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý trong môi trường pháp lý chưa hoàn thiện.

Trên thế giới, 95% số doanh nghiệp thành lập ra là bị phá sản trong 5 năm đầu hoạt động. Chỉ có 5% còn lại bước tiếp sang hành trình 10 năm, 20 năm. Số doanh nghiệp trụ lại đến 100 năm trên thương trường là quá hiếm.

Tại Việt Nam, hiện một lớp doanh nghiệp đã trụ lại sau 20-30 năm và đã định hình được thương hiệu nội địa. Ðể bước tiếp trong nền kinh tế hội nhập và cạnh tranh bình đẳng với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đặt trọng tâm đổi mới công nghệ, đổi mới chất lượng quản trị và đổi mới tư duy kinh doanh.

Ðiều quan trọng hơn, môi trường kinh doanh phải tiếp tục cải thiện để vượt qua tình trạng Chính phủ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng khát khao phát triển, nhưng các cơ quan thực thi chính sách lại có phần nguội lạnh với những nỗ lực này. Giám đốc Công ty Carmax mô tả tình trạng này là “trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa lạnh”, đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên sự “ngại lớn” của các doanh nghiệp nói chung.

Bên cạnh việc môi trường kinh doanh cần tiếp tục cải cách để giúp doanh nghiệp “muốn lớn”, để trụ lại trên thương trường, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, với điểm bắt đầu bằng việc dám sống với tinh thần không sợ hãi.

Lãnh đạo Tân Hiệp Phát chia sẻ, những trải nghiệm thực tế cho thấy, trên thương trường không có gì là bền vững cả. Sự ru ngủ trong vỏ bọc an toàn, cũng như những nguy cơ khủng hoảng luôn chờ trực trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ khi dám đi xuyên qua nỗi sợ hãi, doanh nghiệp mới có thể nhìn thấy điểm yếu của mình và lớn dần lên.

Tin bài liên quan