Buôn bán qua trung gian, mối lo của cổ đông

Buôn bán qua trung gian, mối lo của cổ đông

(ĐTCK) Trong hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các doanh nghiệp muốn khai phá thị trường mới, thường gặp khó khăn về phương thức thanh toán, rào cản thương mại và tìm kiếm khách hàng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp thường thực hiện giao dịch qua trung gian. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lợi dụng đơn vị trung gian nhằm trục lợi.

Lợi ích và rủi ro

Đơn vị trung gian thường là bên am hiểu thị trường, quy định pháp luật, các tập quán buôn bán, thủ tục mua bán tại địa phương, nên giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, hạn chế rủi ro.

Công ty trung gian với năng lực hoạt động của mình giúp doanh nghiệp tìm được bên mua/bên bán với mức giá tốt hơn, giúp doanh nghiệp đảm bảo về mặt chất lượng, kỹ thuật.

Phương thức này còn giúp doanh nghiệp an toàn hơn khi thanh toán, tránh được những lo ngại về khác biệt ngôn ngữ, văn hóa. Chưa kể, có trường hợp, chính đối tác yêu cầu phải thực hiện qua trung gian.

Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu gián tiếp có lợi ích nhất định, nhưng nếu doanh nghiệp đủ quy mô, mức độ chuyên nghiệp thì việc xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn.

Bởi lẽ, khi xuất nhập khẩu gián tiếp qua trung gian, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận một khoản chi phí hoa hồng, mức độ tùy thuộc từng ngành hàng, mặt hàng. Nếu doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa có kinh nghiệm xuất nhập khẩu sẽ rất dễ bị các công ty trung gian ép hoa hồng.

Có trường hợp, công ty trung gian còn đóng vai trò nhà phân phối thương mại, dẫn đến thương hiệu của doanh nghiệp bị thay thế bởi thương hiệu của nhà phân phối này.

Lợi dụng trung gian

Đáng chú ý, không ít trường hợp doanh nghiệp cố tình xuất nhập khẩu gián tiếp, thậm chí cố tình chi trả hoa hồng cao hơn để có bên thứ ba nhận làm trung gian. Điều này liên quan đến mục tiêu riêng của doanh nghiệp khi cố tình đẩy giá lên cao, hoặc chuyển lợi nhuận sang công ty khác.

Những hoạt động này thường rất khó nhận biết, bởi trên sổ sách giấy tờ thì đây vẫn là hoạt động mua bán qua trung gian thông thường, có đầy đủ chứng từ, hóa đơn. Chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc, những mảng tối mới bộc lộ.

Đơn cử, vụ án VN Pharma nhập khẩu thuốc chống ung thư. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khi tìm nguồn nhập khẩu, VN Pharma đã thống nhất giá với Công ty H&C là 27 USD/hộp. Sau khi làm thủ tục đăng ký thuốc với Cục Quản lý dược, VN Pharma làm hợp đồng mua thuốc qua Công ty Ausitin Hong Kong.

Giá nhập về từ 27 USD/hộp đã được nâng khống thành 75 USD/hộp, gần gấp 3 lần giá thực tế. Để hợp thức thanh toán, số tiền nhập khẩu thuốc, VN Pharma chuyển tới 2 tài khoản thụ hưởng tại Hồng Kông, sau đó sử dụng dịch vụ chuyển tiền thuê để chuyển lại số tiền đó về Công ty.

Một trường hợp khác xảy ra trong vụ án ở Công ty cổ phần Container Quốc tế Cas (Cascon). Đây là công ty chuyển sản xuất container, có một phần vốn của Vinashin. Theo tài liệu, năm 2010, Cascon có được khách hàng lớn là Công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập, với thỏa thuận mua 10.000 container do Cascon sản xuất, với giá 4.038 USD/container.

Tuy nhiên, số containner đã được chia làm 2 hợp đồng, một phần nhỏ - 1.000 container được hai bên ký hợp đồng trực tiếp và Cascon đã sản xuất, giao hàng, bên mua đã trả tiền và thanh lý hợp đồng.

Số còn lại, 9.000 container được mua bán qua một đơn vị trung gian là Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Sunny Investment (SNI). Đầu tiên, SNI ký hợp đồng mua 9.000 container từ Casson. Tiếp đó, SNI ký hợp đồng bán số container này cho UASC.

Các hợp đồng mua bán, biên bản thỏa thuận, kèm theo phương án kinh doanh được sử dụng để nộp ngân hàng vay tiền, tổng cộng hơn 30 triệu USD. Số vốn này được đưa vào sản xuất - kinh doanh và Cascon chuyển giao đủ 9.000 container, UASC đã thanh toán hết.

Theo thỏa thuận giữa Cascon và ngân hàng cho vay, số tiền bán hàng phải trả vào Công ty mở tại ngân hàng cho vay vốn để ngân hàng kiểm soát được nguồn thu. Tuy nhiên, bên mua hàng đã trả tiền vào tài khoản của đơn vị trung gian và thực chất, đơn vị trung gian là một công ty nước ngoài do chính người của Cascon cùng với cá nhân nước ngoài thành lập tại Virgin (thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh) - nơi được xếp vào hàng “thiên đường thuế”. Các chữ ký đại diện Công ty SNI trên các bản hợp đồng đều do một nhân viên của Cason ký giả.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), việc mua bán qua trung gian là hoạt động rất bình thường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lợi dụng việc mua bán qua trung gian để gửi giá, kênh giá, hoặc có những gian lận khác. Mặc dù các hành vi này không dễ phát hiện, nhưng nếu có dấu hiệu bất thường và cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra, thì nguy cơ trách nhiệm pháp lý là rất lớn, bởi bất kỳ các hoạt động vi phạm, lách luật nào được thực hiện sẽ dễ dàng để lại dấu vết.

Tin bài liên quan