Ông Nguyễn Sỹ Cương

Ông Nguyễn Sỹ Cương

"Bộ trưởng Nguyễn Quân không nhận thấy trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ"

Mỗi năm ngân sách nhà nước dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học. Với số tiền chưa đến 150 triệu USD, ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: “Không hiểu khoa học - công nghệ đóng góp thế nào cho nền kinh tế, cho sự phát triển của xã hội”.

Mỗi năm, ngân sách dành 2% tổng chi cho khoa học - công nghệ. Theo ông số tiền này là lớn hay nhỏ?

Quá lớn nếu xét về con số tương đối tính trên tổng chi ngân sách hàng năm. Nhưng chỉ có điều là sử dụng số tiền này không hợp lý, vì trong số tiền này, phải dành ra 40% để đầu tư, duy tu cơ sở vật chất của các cơ quan nghiên cứu; 40% để chi cho hoạt động thường xuyên, bộ máy quản lý; 20% còn lại tính ra chỉ vào khoảng 3.000 tỷ đồng, tức là chưa đến 150 triệu USD mới dành cho nghiên cứu khoa học.

Khoảng 150 triệu USD dành cho nghiên cứu khoa học, số tiền này không hề nhỏ, bằng tổng số thu ngân sách của mấy tỉnh miền núi phía Bắc, thưa ông?

Đúng là số tiền 150 triệu USD không hề ít nếu tập trung nghiên cứu một số công trình hữu ích, phục vụ phát triển kinh tế, cho đời sống người dân. Chỉ có điều, số tiền này được phân bổ cho các bộ ngành, địa phương với cơ man nào là dự án, đề tài.

Mỗi dự án, đề tài được phân bổ vài ba tỷ đồng thì nghiên cứu được cái gì? Tiền dành cho nghiên cứu khoa học cho mỗi dự án đã ít, nhưng chưa năm nào tiêu hết số tiền này. Đây cũng là điều đáng bàn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân thẳng thắn thừa nhận rằng, tiền đầu tư cho nhiều dự án, công trình “không đến ngưỡng”, vì thế nhiều đề tài, công trình không ứng dụng được vào cuộc sống?

Nói thật, tôi vô cùng thất vọng khi Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu, đầu tư cho nhiều công trình, dự án khoa học không tới ngưỡng. Tại sao lại đầu tư nửa vời, đầu tư không đến nơi, đến chốn? Nếu đầu tư không tới ngưỡng thì phải dừng lại, chứ tại sao lại cứ đầu tư, đầu tư dàn trải?

Đầu tư cho khoa học - công nghệ không tới ngưỡng đã diễn ra nhiều năm nay, đến bây giờ vẫn vậy. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Quân không nhận thấy trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ.

Tôi nhấn mạnh rằng, trong quản lý nhà nước, Bộ khoa học - công nghệ là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng trong quyết định nghiên cứu đề tài nào, công trình nào, dự án nào, nhưng dường như đề tài, công trình, dự án nào do các bộ ngành, địa phương trình lên cũng được duyệt hết. Và kết quả là, chẳng đề tài nào được nghiên cứu đến nơi đến chốn.

Nghiên cứu xong bỏ công trình vào tủ cất đi, được Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, có nhiều công trình, đề tài phải nghiên cứu trước, đi trước thời đại?

Đây là sự lãng phí vô cùng lớn cả tiền bạc của Nhà nước, công sức lẫn chất xám của giới khoa học nước nhà. Các đề tài trước khi nghiên cứu phải biết nó sẽ áp dụng vào cuộc sống, vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thế nào; phải tìm được đầu ra cho sản phẩm khoa học. Còn cứ nghiên cứu xong rồi “mai phục” đến lúc nào đó sẽ áp dụng được, sau nhiều năm không áp dụng được, thì tiền bạc đầu tư, công sức nghiên cứu đi vào quên lãng.

Tôi cho rằng, đầu tư cho khoa học nước ta đang đi ngược với quy trình của nhân loại, chẳng khác gì người nông dân trồng cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê…, nhưng không biết bán cho ai, bán ở đâu. Cái giá phải trả cho sự phát triển tự phát trong nông nghiệp ai cũng biết, còn cái giá phải trả cho quy trình nghiên cứu khoa học ngược đời rất khó biết, người đóng thuế chỉ biết rằng, mỗi năm ngân sách nhà nước dành 2% tổng chi cho khoa học - công nghệ nhưng không thấy có công trình nào được ứng dụng.

Có nhiều phát minh, sáng chế của nông dân đang được áp dụng vào cuộc sống, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, thưa ông?

Nhưng đáng tiếc là những phát minh, sáng chế vô cùng hữu ích này lại không nhận được đồng nào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì tiền dành cho khoa học - công nghệ được rải mành mành cho hàng ngàn công trình, đề tài nghiên cứu, trong đó có không ít đề tài hầu như không thể áp dụng được, nếu không muốn nói là vô bổ. Đó là chưa kể đến việc tiêu cực trong phân bổ, chi tiêu ngân sách dành cho khoa học.

Ông có nói quá không khi mà Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định không có bằng chứng tiêu cực trong phân bổ ngân sách dành cho khoa học - công nghệ?

Đề tài, công trình nghiên cứu muốn được chấp nhận, muốn được giải ngân đều phải trích phần trăm cho người có trách nhiệm phê duyệt. Câu chuyện này có từ rất lâu rồi, trong giới khoa học, nghiên cứu ai cũng biết; báo chí, dư luận xã hội và bản thân nhiều đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng về vấn đề này. Tôi đã từng đưa ra bằng chứng tiêu cực trong sử dụng ngân sách nghiên cứu khoa học, nhưng cuối cùng mọi việc bị “chìm xuồng”.

Chi tiêu cho khoa học - công nghệ như vậy; quản lý như thế; đầu tư dàn trải không có trọng tâm, trọng điểm; không hỗ trợ người dân trong phát minh, sáng chế chỉ vì họ không phải là… nhà khoa học, tôi tự hỏi bao giờ Việt Nam mới có nền kinh tế tri thức?

Tin bài liên quan