Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và thông điệp cải cách

(ĐTCK) Tại buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2015 - Cơ hội và thách thức” đầu tuần này, nhiều câu hỏi từ phía DN đã được Bộ trưởng thẳng thắn trả lời. ĐTCK lược trích.

Ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG tại Việt Nam:  Chúng tôi biết Chính phủ Việt Nam đang có nhiều nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhưng chúng tôi cần nhìn thấy hành động, chứ không chỉ là lời nói. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Dù nền kinh tế Việt Nam có nhiều thách thức, nhưng chúng tôi có 3 điều hấp dẫn.

Thứ nhất, Việt Nam có môi trường chính trị khá ổn định, an toàn.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao thành phần kinh tế nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn FDI. Đây là thực tế, thậm chí hiện đang có ý kiến cho rằng ưu đãi cho DN FDI còn cao hơn DN trong nước, tuy nhiên cũng phải xem xét, nhưng không thể phủ nhận khu vực này đã đem đến không chỉ tiền, kinh nghiệm quản lý, mà còn đem đến những cải thiện về thể chế kinh tế.

Cuối cùng, Việt Nam đang tích cực cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách mạnh mẽ. Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là việc quan trọng, trong đó hệ thống luật pháp là xương sống, cần luật để điều chỉnh hành vi của người dân. Có Nghị quyết không chưa đủ, có luật rồi phải có chế tài, ai không thực hiện phải xử lý.

Bộ KH&ĐT giữ vai trò tham mưu chủ yếu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Chúng tôi đã nghiên cứu và sẽ đề xuất những tư tưởng đổi mới quan trọng: Nhà nước không thể ôm nền kinh tế, phải là DN, mà là DN tư nhân thì càng tốt.

Trong sự cải cách này, DNNN sẽ chỉ thực hiện những hoạt động kinh doanh trong những mảng đặc thù, hẹp, còn lại sẽ giao cho DN tư nhân, cho xã hội thực hành để khuyến khích tối đa sức sáng tạo trong phát triển kinh tế đất nước. 

Ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World: Thưa Bộ trưởng, Luật Đầu tư sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực sẽ giảm thiểu nhiều thủ tục hành chính, qua đó giảm thời gian cấp phép đầu tư từ 45 ngày xuống còn 15 ngày. Đây là một sự cắt giảm đáng trân trọng, song trên thực tế, 45 ngày đâu có khác gì 15 ngày khi có những dự án đầu tư phải mất tới 3 - 4 năm để được chấp thuận thủ tục đầu tư. Vậy trên luật, thủ tục hành chính có giảm song thực tế lại không như mong đợi, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể nào để khắc phục tình trạng này?

Luật mới quy định công ty Việt Nam có sở hữu vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% thì được áp dụng giống như NĐT trong nước. Vậy có được hưởng quyền và nghĩa vụ như DN trong nước không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nói giảm xuống còn 15 ngày là không chỉ với ngành kế hoạch, mà còn liên quan đến thủ tục khác cũng phải đồng bộ và chạy theo tiến độ này. Tuy nhiên, tôi hiểu, làm sao trong 15 ngày có được thủ tục về đất đai ở Việt Nam là một điều không dễ dàng. Kinder World là DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chắc cũng thấm thía việc này.

Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư mới, chúng tôi sẽ làm rất kiên quyết. Hiện chúng tôi khẩn trương hoàn thành 6 nghị định để ban hành kịp thời hạn Luật có hiệu lực từ 1/7 tới. Trong Nghị định sẽ quy định rõ việc nếu cơ quan chức năng không có câu trả lời trong thời hạn quy định, đương nhiên có nghĩa là đồng ý cho DN làm. Cùng với đó là có chế tài để giám sát việc thực hiện. Luật và nghị định dù có quyết tâm đến mấy, nhưng người thực hiện không theo thì cũng khó chuyển biến. Cản trở và mệt mỏi cũng là con người, do đó phải có chế tài đủ mạnh để thực thi.

Về vấn đề quy định DN có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51%, đây là điểm đổi mới rất mạnh mẽ trong Luật Đầu tư. Theo đó, DN có vốn góp nước ngoài từ 51% trở lên là DN FDI nên cần có một số ràng buộc nhất định, còn với DN nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dưới 51% thì cơ bản sẽ được đối xử như DN trong nước khi tham gia thị trường.

Ông Kumar Narasimhan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam: Thưa Bộ trưởng, nhiều khi thủ tục không nằm trong quy định của văn bản pháp luật. Khi chúng tôi muốn đầu tư mở rộng, cơ quan cấp trên hỗ trợ, nhưng cấp dưới lại không được như vậy. Chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần giữa cơ quan trung ương và địa phương. Vậy làm thế nào để cải cách thực chất? 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đó là thực trạng vẫn tồn tại và có 2 việc cần giải quyết để khắc phục tồn tại này. Thứ nhất các luật cũ chưa đủ độ minh bạch, trong khi nghị định hướng dẫn lại mập mờ, mỗi nơi hiểu một kiểu do các địa phương khác nhau. Cán bộ thì vẫn còn đâu đó có những người tâm không tốt, hành DN. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đã quy định rất minh bạch, cụ thể về điều kiện, thủ tục đầu tư. Tiếp ngay sau đây, chúng tôi cùng 16 cơ quan Bộ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để tạo sự thống nhất và minh bạch hóa trong hướng dẫn, quản lý DN.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, chỉ luật thôi chưa đủ, mà còn phụ thuộc yếu tố thứ hai, đó là con người thực hiện nó. Vấn đề này không ngay lập tức tốt được, mà phải có đào tạo, giáo dục và chế tài kiểm soát, xử lý. Khi luật minh bạch, có chế tài đầy đủ và xử lý nghiêm, chắc chắn môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ cải thiện.

Tin bài liên quan