Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các doanh nhân tham dự đối thoại

Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các doanh nhân tham dự đối thoại

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “truyền lửa” vượt qua chính mình

(ĐTCK) Thẳng thắn, chân tình, giàu “chất lửa” là cảm nhận của 150 doanh nhân trong và ngoài nước khi tham dự buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về chủ đề ‘‘Kinh tế Việt Nam 2015 -  Cơ hội và thách thức”, do Báo Đầu tư phối hợp với KPMG vừa tổ chức.  

Đề xuất Bộ Chính trị nhiều tư tưởng cải cách về kinh tế

“Chỉ có đối thoại mới mang lại hiệu quả, ý kiến một chiều không hiệu quả, quý vị không thiếu thông tin. Trong buổi đối thoại hôm nay, tôi sẽ lắng nghe và giải đáp các câu hỏi, làm sao để Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lắng nghe được ý kiến của các DN nhiều hơn, qua đó biết làm tốt hơn những điều cần làm để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chân tình chia sẻ, khi mở đầu buổi đối thoại.

Theo Bộ trưởng, điều quan trọng nhất, trăn trở nhất không chỉ với riêng ông là tại sao Việt Nam có dân số vàng, với 90 triệu dân, hơn nữa người Việt Nam thông minh, năng động, chịu thương chịu khó, đã làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thế nhưng kinh tế Việt Nam lại xếp hạng kém trong khu vực? Để giải quyết vấn đề này, gần đây, mà cụ thể nhất là trong vòng 6 tháng gần đây, Chính phủ, đã liên tiếp có những thay đổi quyết liệt.

“Là đơn vị tham mưu chiến lược kinh tế tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính tôi cũng ngỡ ngàng về sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ và khẳng định, những thay đổi này đang từng bước làm thay đổi môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN. Cùng với Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, đang đi vào cuộc sống, Thủ tướng đang quyết liệt làm việc với nhiều bộ, ngành, để phấn đấu đưa các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt trung bình của các nước ASEAN-4, chứ không phải là ASEAN-6.

“Gần đây, tuần nào Thủ tướng cũng dành thời gian làm việc trực tiếp với 7 bộ trưởng để yêu cầu quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, để có chuyển biến lớn về cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế, chứ không chỉ là cải thiện trên văn bản. Những chuyển biến này phải được DN, người dân, các tổ chức độc lập kiểm chứng, chứ không phải cơ quan quản lý đánh giá và báo cáo…”, Bộ trưởng cho biết.

Nói về nền kinh tế Việt Nam 2015, Bộ trưởng đánh giá nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội. Đầu tiên là kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn trong quý I/2015, khi GDP tăng trưởng 6,03%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm 0,1%. CPI giảm không phải do giảm phát, mà trên thực tế kinh tế vẫn tăng trưởng, phục hồi sản xuất rõ nét, thể hiện qua chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 9% so với cùng kỳ năm trước. GDP tăng 6,03% là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua. “Đây là con số tính toán rất chặt chẽ, tôi chỉ đạo Tổng cục Thống kê phải tính toán GDP chặt theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo phản ánh chính xác tình hình kinh tế, từ đó để có chính sách đúng. Tăng trưởng kinh tế đang phục hồi. Nếu không có gì đột biến, thì GDP năm nay sẽ đạt 6,2 - 6,3%, nếu nỗ lực có thể đạt 6,3 - 6,4%...”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo.

Điểm thuận lợi thứ hai đối với nền kinh tế, là Việt Nam đang khởi xướng mạnh mẽ quá trình đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế. “Các năm trước đã nói và viết nhiều rồi, năm nay phải hành động”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, là Cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chiến lược, chính sách kinh tế, cách đây 2 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mời các nhà kinh tế hàng đầu thế giới tư vấn, tham gia nghiên cứu để tìm đường hướng đổi mới cho nền kinh tế Việt Nam. Các nghiên cứu này tập trung làm rõ nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu, phải làm gì để đạt được trình độ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản...?

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai nhiều đề tài quan trọng về kinh tế Việt Nam và hiện đã có thành quả ban đầu rất tốt. Chúng tôi đang viết báo cáo Việt Nam 2035, trong đó, đề cập cụ thể Việt Nam phải làm gì, với những giải pháp nào. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn tới, để chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới. Tôi vừa chính thức ký và trình báo cáo này lên Bộ Chính trị để xin ý kiến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Trong báo cáo này có nhiều tư tưởng mới như: kinh tế thị trường đầy đủ là như thế nào, thị trường hóa dịch vụ công ra sao…”, Bộ trưởng cho biết.

Thẳng thắn, chân tình và giàu chất lửa là cảm nhận của 150 doanh nhân trong và ngoài nước tham dự buổi đối thoại với Bộ trưởng   Bùi Quang Vinh 

Đừng chỉ tính việc cạnh tranh với ông bên cạnh…

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam, theo Bộ trưởng Vinh, đang đối mặt với không ít thách thức như: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp; thiếu môi trường nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo; tình trạng tham nhũng, kém minh bạch còn đáng ngại… Trong đó, cải thiện yếu tố minh bạch trong nền kinh tế đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các chủ thể, không chỉ là yêu cầu người dân đặt ra với Chính phủ, mà còn là yêu cầu chính phủ đặt ra với người dân, đặc biệt là giới DN. “Tôi từng nghe nhiều nhà đầu tư châu Âu nói, họ muốn vào làm ăn tại Việt Nam, nhưng không bước vào được. Tôi hỏi cản trở lớn nhất là gì? Họ nói đó là tham nhũng”. Bộ trưởng nói tiếp: “Chính cách thức kinh doanh của nhiều DN Việt Nam chúng ta, mua cũng phải có lót tay, gửi giá, bán cũng phải lót tay, gửi giá, đã cản trở không chỉ là đầu tư mà cả trong thương mại, không thể hợp tác được”. DN đòi hỏi Chính phủ minh bạch, nhưng chính DN cũng phải minh bạch, vì chỉ minh bạch mới giảm được sự nhũng nhiễu, tôn trọng những giá trị thực và cải thiện môi trường đầu tư.

Một vấn đề quan trọng khác Bộ trưởng chia sẻ với DN là, Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, chúng ta mở cửa cho họ, ngược lại họ mở cửa cho ta. Chỉ đến năm sau thôi, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời sẽ có sự thay đổi rất lớn khi thực hiện lưu thông hàng hóa và nhân lực trong 10 nước ASEAN. Khi đó, hàng hóa phải cạnh tranh bình đẳng và DN nước ngoài có thể không dùng lao động Việt Nam nữa, họ chọn người Philippines vừa nói tiếng Anh tốt, vừa chăm chỉ chẳng hạn… Chúng ta ứng phó như thế nào đây? Bộ trưởng đặt câu hỏi và cho rằng, nếu các DN không quan tâm, không biết và không chuẩn bị trước thì khó có thể đứng vững khi hội nhập.

Theo Bộ trưởng, trong nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ta đàm phán tốt, nhưng thực tế chuẩn bị cho hội nhập chưa tốt. Bên cạnh kế hoạch thông tin đầy đủ và chính sách hỗ trợ DN trong hội nhập, điều Bộ trưởng muốn nhất là tự thân các DN khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên, đừng chỉ lo cạnh tranh với “ông hàng xóm”, mà phải mở rộng tầm nhìn, định vị mình trong cuộc cạnh tranh trên toàn khu vực, vì hội nhập đã đến rất gần.

“Đọc thông tư, luật, thì DN, người dân phải hiểu cần làm gì, chứ hiện có những quy định hiểu thế nào cũng được, hoặc không hiểu”, Bộ trưởng trăn trở và chia sẻ, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cố gắng xây dựng Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với tinh thần đổi mới và minh bạch. Các văn bản này sẽ dần đi vào cuộc sống, với giá trị cốt lõi là khuyến khích sự sáng tạo, tạo môi trường tốt nhất cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

“Các bạn đang gánh trên vai trọng trách DN, bất kể DNNN, DN FDI, DN tư nhân, các bạn đang là những người quyết định tương lai của nền kinh tế, của dân tộc Việt Nam. DN mạnh thì đất nước mới mạnh, trong đó DN tư nhân chính là nền tảng, là động lực phát triển kinh tế đất nước”, Bộ trưởng khép lại buổi nói chuyện của mình trong tiếng vỗ tay vang ròn của Hội trường hơn 150 DN. Chia tay Bộ trưởng, điều đọng lại với doanh nhân là niềm tin và ý chí phải vươn lên để vượt qua chính mình.

Giải đáp câu hỏi của ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), rằng trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất được coi trọng và liên tục có những bước tiến trong những năm qua, thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã xác định vai trò quan trọng của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chưa? Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có đánh giá về vấn đề này, nhưng chưa đậm nét. Tuy nhiên, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai, thì tái cơ cấu thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng. Việt Nam hiện là một trong số không nhiều nước phụ thuộc tới 70 - 80% về vốn vào khu vực ngân hàng, dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, nên tạo ra những rủi ro lớn cho nền kinh tế. Sự phát triển của thị trường tài chính chưa bền vững.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần thúc đẩy TTCK phát triển, cổ phần hóa mạnh mẽ, M&A. Cùng với nâng cao chất lượng thu hút vốn FDI là tăng cường thu hút dòng vốn FII, vì đây là dòng vốn rất quan trọng với Việt Nam. “Các cơ quan cầm trịch thu hút vốn FII là Bộ Tài chính, UBCK, NHNN đang triển khai các bước đi thận trọng. Việc này là cần thiết, nhưng nếu thận trọng quá đến mức thị trường khó phát triển thì cần xem lại”, Bộ trưởng nói.

Tin bài liên quan