TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngày càng phát triển với nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng. Ảnh: Đào Tiến Đạt

TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngày càng phát triển với nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Bình Định với chiến lược thu hút đầu tư mới

Với mục tiêu trở thành một tỉnh khá trong khu vực vào năm 2020, việc tăng cường thu hút đầu tư đã và đang là hướng đi quan trọng của tỉnh Bình Định nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, thời gian qua, đầu tư vào Bình Định đã có chuyển biến rõ rệt.

Thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là một trong những vấn đề trọng tâm ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng. Trong những chuyến thăm và làm việc tại địa phương này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường nhắn nhủ rằng, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân.

Đối với Bình Định, những năm qua, việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài là hướng đi quan trọng nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế của tỉnh. Công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được đổi mới và cải thiện.

Trong năm 2018, Bình Định đã tiếp tục mời gọi đầu tư toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, đã đón tiếp nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương như Quỹ đầu tư Marshal (Singapore), Công ty TNHH Fujiwara (Nhật Bản), Công ty TNHH The Green Solutions, Quỹ Hữu nghị Hàn Quốc - Á Châu, TMA Solutions tại TP.HCM, Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Marriott International (Mỹ), Anphanam, Công ty FGD Recycling Industry Co.Ltd (Đài Loan), Tập đoàn Gia Phú (Singapore), Đoàn doanh nghiệp Yongsan (Hàn Quốc), Tập đoàn BR Group (Cộng hòa Séc)…

Chỉ tính trong năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút được 62 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 20.483,21 tỷ đồng. Trong đó, 20 dự án được đầu tư trong khu khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 5.483,09 tỷ đồng. Phân theo địa bàn, TP. Quy Nhơn tiếp tục là địa bàn dẫn đầu về thu hút đầu tư. An Nhơn (với 11 dự án) và Phù Cát (7 dự án) là 2 địa bàn tiếp theo được các nhà đầu tư quan tâm. Trong khi đó, các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh ít được các nhà đầu tư để ý, một phần do địa hình, với hạ tầng chưa thực sự đạt mong muốn.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký 134,45 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 78 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 791,44 triệu USD, trong đó, có 30 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư 289,77 triệu USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đến đầu tư các dự án then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn như du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm... Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh cao.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Thu hút đầu tư đã và đang là giải pháp then chốt để tỉnh Bình Định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Theo đó, trong năm 2019, địa phương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ; chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ, nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu và các quốc gia phát triển để đảm bảo môi trường bền vững, vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, vừa đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và các dịch vụ kèm theo.

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, trong năm 2019, Bình Định sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Séc, Mỹ… Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được cải thiện, ưu tiên tập trung ở các khâu như đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục giao đất… Đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, từng cơ quan, cải tiến cung cách làm việc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, năm 2018, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai tốt Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh, tầm nhìn 2025. Trong đó, chủ động rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển từng địa bàn; tập trung mở rộng không gian phát triển công nghiệp, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về hạ tầng, nhất là đất đai. Đặc biệt, Bình Đình sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề, dự án có công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, trọng tâm là điện tử, chế tạo, chế biến.

Để cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh Bình Định tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng; rà soát các thủ tục không còn phù hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cắt giảm hoặc sửa đổi. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, lĩnh vực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Tin bài liên quan