Nạo vét luồng cảng Cửa Lò.

Nạo vét luồng cảng Cửa Lò.

Bắt lỗi Dự án nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò

Có quy mô vốn không lớn, nhưng chủ đầu tư Dự án Đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò (Nghệ An) vẫn để xảy ra nhiều khiếm khuyết.

Chậm tiến độ

Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 218/TB - KTNN gửi Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông báo kết quả kiểm toán tại Dự án Đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò (Dự án nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò).

Dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò có địa điểm xây dựng tại khu vực Cửa Lò, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những dự án được Kiểm toán Nhà nước đưa vào tầm ngắm tại Quyết định số 1799/KTNN ngày 29/8/2018 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Trên thực tế, Dự án nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò có tổng mức đầu tư 375,6 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn I, nạo vét luồng đến độ sâu -7,2 m và đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu đã hoàn thành vào năm 2015. Hiện Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai giai đoạn II của Dự án - xây dựng vị trí khu quay trở tàu có bán kính 220 m, sâu 7,2 m với tổng mức đầu tư khoảng 137 tỷ đồng.

Mặc dù giai đoạn I, Dự án nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò đã được Bộ GTVT phê duyệt quyết toán với giá trị là 98,359 tỷ đồng, nhưng tại Thông báo số 218, chủ đầu tư vẫn bị Kiểm toán Nhà nước loại trừ thêm 134 triệu đồng do tính toán sai đơn giá trong quá trình nghiệm thu thanh toán Gói thầu số 08 - thi công nạo vét luồng tàu và phao tiêu báo hiệu.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc thi công Gói thầu số 08 do liên danh Công ty cổ phần Thi công cơ giới và dịch vụ - Công ty TNHH Minh Hằng đảm nhận không hoàn thành tiến độ cam kết trong hợp đồng.

Cụ thể, theo kế hoạch, liên danh nhà thầunày phải hoàn thành hợp đồng trong vòng 108 ngày (16/10/2014 - 31/1/2015), nhưng do bị vỡ tiến độ nên chủ đầu tư đã gia hạn thêm 55 ngày nữa. Tuy nhiên, mặc dù đã được điều chỉnh tiến độ, nhưng phải đến ngày 3/5/2015, liên danh nhà thầu này mới có thể kết thúc các công việc được giao, chậm thêm 33 ngày so với thời hạn được gia hạn.

Ngoài việc thay đổi biện pháp tổ chức thi công (từ việc bơm một phần khối lượng cát nạo vét lên bờ chuyển sang vận chuyển đổ ra biển do vật liệu không đạt chất lượng san lấp), năng lực thi công yếu kém của nhà thầu là nguyên nhân khiến gói thầu xây lắp duy nhất tại Dự án không hoàn thành mục tiêu tiến độ đề ra.

Bất lực với nhà thầu kém

Nếu chiểu theo những thông tin trong Thông báo số 218, thì Ban Quản lý Dự án hàng hải (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) đã thể hiện năng lực yếu kém trong điều hành Dự án nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò.

Cụ thể, mặc dù đã được chủ đầu tư liên tục nhắc nhở bằng văn bản về việc điều chỉnh biện pháp thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ, nhưng Công ty cổ phần Thi công cơ giới và dịch vụ không nghiêm túc, kịp thời thực hiện chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án hàng hải, dẫn đến vỡ tiến độ chung của cả gói thầu.

Sự thiếu chuyên nghiệp của nhà thầu này còn thể hiện ở việc tự ý di chuyển máy móc thiết bị thi công ra khỏi công trường khi chưa hoàn thành công trình và không được sự đồng ý của chủ đầu tư. Điều đáng nói là trong Thông báo số 218, Kiểm toán Nhà nước không ghi nhận bất cứ hình thức xử lý nào của chủ đầu tư đối với trường hợp thi công bê trễ, không tuân thủ chỉ đạo của chủ công trình.

Trên thực tế, bên A cũng không có sự nghiêm túc, chuẩn chỉ cần thiết khi đại diện chủ đầu tư không cung cấp được cho đoàn Kiểm toán Nhà nước các tài liệu chứng minh đã tăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật Đấu thầu. Tại thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đã thanh toán hết cho các nhà thầu đã hoàn thành hợp đồng, nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn yêu cầu cấp quyết định đầu tư Dự án cần rút kinh nghiệm trong việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi thuyết minh dự án đầu tư chưa xác định được khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ.

Cảng Cửa Lò được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 37/2016, với tính chất chức năng là khu bến cảng tổng hợp, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận khu vực Bắc Trung Bộ, một phần hàng quá cảnh của nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Tổng diện tích quy hoạch của cảng Cửa Lò là 450 ha, với 6 bến tất cả. Được biết, Cảng Cửa Lò là cảng quốc tế đầu tiên trong 4 cảng biển quốc tế của tỉnh Nghệ An.

Tin bài liên quan