Bảo vệ nhà đầu tư: “Điểm yếu” môi trường kinh doanh

Bảo vệ nhà đầu tư: “Điểm yếu” môi trường kinh doanh

(ĐTCK-online) Trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2010 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 9/9, chỉ số về mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 93 trong số 183 nền kinh tế được khảo sát, tụt 2 bậc so với năm 2008. Đáng chú ý, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư không được cải thiện hơn bao nhiêu, tiếp tục ở nhóm "đội sổ", xếp hạng 172.

Đánh giá về mức độ bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số mức độ công khai thông tin (thang điểm 0 - 10) đạt 6 điểm, chỉ số mức độ trách nhiệm của thành viên HĐQT chỉ đạt 0 điểm, chỉ số độ dễ dàng của cổ đông có thể hiện đạt 2 điểm, chỉ số mức độ bảo vệ nhà đầu tư đạt 2,7 điểm. Như vậy, so với những năm trước, các con số này không được cải thiện là bao, mặc dù số lượng DN hoạt động theo mô hình công ty cổ phần ngày một nhiều, TTCK cũng phát triển hơn so với trước.

TIN LIÊN QUAN

* Ngành thuế trần tình chuyện hơn 1.000 giờ đóng thuế

* Doanh nghiệp mất hơn 1.000 giờ để đóng thuế

* Việt Nam tụt một bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh 2010

Nhóm chỉ số Việt Nam có được mức xếp hạng cao hơn, bao gồm cấp giấy phép xây dựng (xếp hạng 69), đăng ký tài sản (40), vay vốn tín dụng (30), thương mại quốc tế (74), thực thi hợp đồng (32). Nhóm thủ tục vẫn chưa có nhiều cải thiện, bao gồm thành lập DN xếp hạng 116, nộp thuế 147, giải thể DN 127.

Nhóm nghiên cứu đánh giá cao động thái hỗ trợ DN của Việt Nam như cắt giảm thuế suất thuế thu nhập DN, từ 28% xuống còn 25%; loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai. Ngoài ra, gia tăng cạnh tranh trong ngành công nghiệp hậu cần và việc áp dụng thủ tục hải quan mới - nằm trong khuôn khổ chương trình cải cách thành viên WTO cũng góp phần giảm bớt chậm trễ trong hoạt động thương mại quốc tế với 2 cải cách, bao gồm thương mại quốc tế và nộp thuế, thời gian nhập khẩu và xuất khẩu giảm 2 ngày. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm chưa thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam, như thời gian xuất khẩu một container của Việt Nam mất tới 22 - 23 ngày, trong khi tại Thái Lan là 15 ngày, Hồng Kông, Singapore là 5 - 6 ngày; thời gian DN dành cho việc nộp thuế tới 1.050 giờ/năm hay để giải thể DN ở Việt Nam mất tới 5 năm, chi phí tốn kém 15% giá trị tài sản...

Theo đánh giá của WB, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã hâm nóng lại mối quan tâm đối với việc xây dựng các luật lệ tốt. Trong thời kỳ suy thoái, thể chế và quy định có hiệu quả trong kinh doanh có thể hỗ trợ cho các điều chỉnh kinh tế. Thủ tục thành lập và chấm dứt hoạt động dễ dàng cho công ty, tính linh hoạt trong việc sử dụng nguồn lực khiến cho việc chấm dứt kinh doanh khi nhu cầu giảm sút hoặc khởi sự việc kinh doanh mới được dễ dàng hơn. Làm rõ quyền về tài sản và củng cố cơ sở hạ tầng của thị trường (chẳng hạn hệ thống thông tin tín dụng và tài sản đảm bảo) có thể góp phần tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư và DN đang mong muốn làm lại từ đầu.

Chính bởi lẽ đó, từ tháng 6/2008 đến tháng 5/2009, 131/183 nền kinh tế đã cải cách quy định về kinh doanh. Ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, 17/24 nền kinh tế đã cải cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. "Các quy định về kinh doanh có thể ảnh hưởng tới mức độ chống chọi của các DN vừa và nhỏ với cuộc khủng hoảng cũng như khả năng nắm bắt cơ hội của họ khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục", bà Penelope Brook, quyền Phó chủ tịch phụ trách phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tài chính của Nhóm Ngân hàng Thế giới khẳng định. Chuyên gia này nhận xét: "Chất lượng của các quy định kinh doanh là yếu tố quyết định việc DN sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn như thế nào, DN trong nước sẽ bắt đầu lại hoạt động đầu tư mau lẹ ra sao và DN mới sẽ được thành lập nhanh chóng hay không".

Kết quả là số lượng các cuộc cải cách đã đạt kỷ lục: 287 cải cách tại 131 quốc gia, tăng 20% so với năm trước. Nhờ nỗ lực cải cách của mình, Indonesia - quốc gia cải cách tích cực nhất trong khu vực trong năm nay đã chuyển từ vị trí 129 lên 122 trong bảng xếp hạng; Singapore - quốc gia luôn kiên trì cải cách là nền kinh tế dẫn đầu bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu lần thứ 4 liên tục, còn New Zealand ở vị trí số 2. Nền kinh tế có cán cân xuất nhập khẩu thuộc hàng lớn nhất thế giới - Trung Quốc - đã làm cho hoạt động thương mại quốc tế dễ dàng hơn bằng cách bãi bỏ thủ tục xin phép giao dịch ngoại hối đối với hàng nhập khẩu.

Bảng xếp hạng của WB còn một số điểm gây băn khoăn cho giới chuyên gia Việt Nam. Đơn cử, số giờ dành cho việc đóng thuế năm ngoái của DN Việt Nam giống y năm nay, tổng số thuế DN phải trả chiếm 40,1% trên lợi nhuận... Tuy nhiên, đây vẫn là thông tin đáng giá đối với các nhà quản lý kinh tế cũng như giới đầu tư nói riêng.