Ngành đường sắt được đánh giá là chưa phát huy được lợi thế sẵn có, nhiều năm vẫn cũ kỹ, lạc hậu, tốc độ hiện đại hoá chậm

Ngành đường sắt được đánh giá là chưa phát huy được lợi thế sẵn có, nhiều năm vẫn cũ kỹ, lạc hậu, tốc độ hiện đại hoá chậm

Báo cáo Chính phủ Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong nhiệm kỳ này

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại cuộc họp cho ý kiến về báo cáo tổng quan về nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và góp ý đối với nội dung Báo cáo tiền khả thi vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hệ thống kết cấu giao thông hiện nay chưa được phân bố hoàn chỉnh giữa các lĩnh vực. Đường bộ, hàng không cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng ngành đường sắt thì chưa phát huy được lợi thế sẵn có, nhiều năm vẫn cũ kỹ, lạc hậu, tốc độ hiện đại hoá chậm.

Do đó, việc sớm hình thành tuyến ĐS tốc độ cao Bắc - Nam theo chỉ đạo của Chính phủ là một yêu cầu cần kíp.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT chuẩn bị Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trong nhiệm kỳ này báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến, nhằm sau khi Dự án được phê duyệt thì đầu tưcông trung hạn giai đoạn tới sẽ dành ngân sách, chuẩn bị nguồn lực cũng như giải pháp để kêu gọi nhà đầu tư trong, ngoài nước để hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam trong giai đoạn 2020-2025.

Trách nhiệm của chúng ta là phải hoàn chỉnh Đề án này và thông qua các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đây là dự án mới, phức tạp, tiến độ rất gấp. Mục tiêu trình Chính phủ là dự án tổng thể tiền khả thi cho toàn tuyến đưởng sắt tốc độ cao từ Hà Nội - TPHCM, đồng bộ công nghệ, trong đó làm rõ hiệu quả đầu tư chung của toàn tuyến, lộ trình đầu tư, thứ tự ưu tiên, lựa chọn công nghệ, các yếu tố phát triển công nghiệp và quản lý khai thác. Để đảm bảo tiến độ báo cáo Chính phủ, Thứ trưởng yêu cầu Tư vấn hoàn thành Báo cáo đầu kỳ trong tháng 3 tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thống nhất kế hoạch trình Chính phủ, Quốc hội. Bộ trưởng yêu cầuTEDI phối hợp với Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật khẩn trương thực hiện xây dựng lộ trình chi tiết, làm rõ các vấn đề chuyên môn, tháng 6 cơ bản hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để Ban Cán sự đảng Bộ GTVT xem xét chỉ đạo, đảm bảo lộ trình trình Chính phủ, Quốc hội vào năm sau.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải làm sâu sắc sự cần thiết đầu tư, đây là vấn đề được Quốc hội và cả xã hội quan tâm.

Do vậy phải có nhiều thông tin so sánh, có số liệu thống kê chuẩn về nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa nhằm thấy được hiệu quả của việc đầu tư; đồng thời so sánh với vận tải đường bộ, vận tải hàng không, khái toán suất đầu tư, duy tu sửa chữa hàng năm, hao mòn của các thiết bị vận tải, an toàn giao thông, chi phí vé để khi đưa dự án vào hoạt động thấy được lợi thế hơn so với các hình thức giao thông khác và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

"Tư vấn cần làm rõ ngay từ đầu loại tàu chở khách hay chở hàng; nghiên cứu kỹ công nghệ, tiêu chuẩn, điều kiện thiết kế; lựa chọn tốc độ chạy tàu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; phương án suất đầu tư.

Nghiên cứu đề xuất thời gian phân kỳ đầu tư, hiệu quả kinh tế- xã hội, ảnh hưởng của dự án tác động đến môi trường, xã hội cho sự phát triển chung của cả nước. tính lan tỏa phát triển đô thị…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Được biết, trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 1/2018, Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình mới cho việc nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Cụ thể, Bộ GTVT sẽ thực hiện các báo cáo chuyên đề về sự cần thiết phải đầu tư; lựa chọn công nghệ, tốc độ và tiêu chuẩn kỹ thuật; phương án tổ chức chạy tàu; tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong khoảng từ tháng 1/2018 – tháng 10/2018.

Nếu các hạng mục này bám sát kế hoạch đề ra, Bộ GTVT sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương) kết quả nghiên cứu hoàn thiện Chủ trương đầu tư trong khoảng từ tháng 11/2018 - 4/2019.

Lộ trình được đánh giá là khởi đầu cho quá trình triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao chạy dọc Việt Nam này sẽ được hoàn tất sau khi Chính phủxem xét, trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp tháng 5/2019.

Được biết, Dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Bộ GTVT phê duyệt vào cuối năm 2016 với tổng mức đầu tư 14,7 tỷ đồng có mục tiêu tập hợp, rà soát các kết quả nghiên cứu trước đây nhằm xây dựng phương án xây dựng mới về đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 5/2010, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM có chiều dài 1570 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 56 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc hội yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định sự hiệu quả và tính khả thi của Dự án.

Tin bài liên quan