Ba trụ cột chính đều tăng trưởng khả quan

Ba trụ cột chính đều tăng trưởng khả quan

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017 tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ vừa qua, nhất là khi kinh tế tháng 7 tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét.

Tháng 7 là tháng đầu tiên của nửa cuối năm - giai đoạn quyết định khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Cần phải nhắc lại, 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,73% và quyết tâm của Chính phủ là 6 tháng còn lại phải đạt mức tăng 7,42%.

Mục tiêu này được Chính phủ xác định từ nhiều biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo. Cụ thể, tăng trưởng nông nghiệp phải bảo đảm tăng trưởng 3,05%, công nghiệp tăng 10,91%, dịch vụ - thương mại tăng 7,19%.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nhất trí đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội của tháng 7 và 7 tháng tiếp tục ổn định.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; công nghiệp chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 6,5%; chế biến, chế tạo tăng 10,6%.    

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát, với CPI tháng 7 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Đặc biệt, tín dụng tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ của 6 năm gần đây. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đều giảm, thị trường chứng khoán đang có dấu hiện tăng.

3 trụ cột chính được Chính phủ xác định cho nửa cuối năm 2017 đều tăng trưởng tốt. “Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; công nghiệp chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 6,5%; chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tăng 10%. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, với mức tăng 18,7%. Thu ngân sách đạt 48,2% so với dự toán năm 2017”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện tích cực, đem lại những dấu hiệu khả quan từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực tư nhân. Vốn FDI đăng ký đạt 21,9 tỷ USD, tăng 22%; vốn giải ngân cũng khá hơn. Trong 7 tháng có 73.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về vốn; có 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2016.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay và mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt 6,5% trong giai đoạn 2016-2020, động lực lớn là phải giữ được cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, cùng ngày diễn ra phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 mới đạt 38,6% kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; xây dựng các giải pháp huy động, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư tư nhân, vốn ODA và vốn FDI. Phấn đấu tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt 34 - 35%.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên cập nhật tình hình và chủ động có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7%. Quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ; mọi hoạt động phải công khai, minh bạch gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tổ chức thực hiện.

Tin bài liên quan